Cuộc sống

Ung thư: Đoạn tuyệt sữa, ăn gạo mầm

Lợi Trần

Tuyệt đối không ăn thịt đỏ, không uống nước cam. Ăn thịt gia cầm, gạo mầm, gạo lứt, nhiều rau sống... Đây là thực đơn nhiều bệnh nhân ung thư đang áp dụng.


Nhiều bệnh nhân ung thư kiêng hoàn toàn thịt đỏ, sữa và đường


Bà Lưu Thị Trung, 68 tuổi, nhà ở phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội mắc ung thư đại trực tràng cách đây hơn 2 năm.

Sau khi phẫu thuật, bà băn khoăn chọn lựa giữa cách xạ trị, hóa trị và cách chữa ung thư mới của một giáo sư người Việt sinh sống ở nước ngoài.

Qua tham khảo một số người bệnh đã từng chữa theo phương pháp này, đọc sách báo, cuối cùng bà Trung quyết định không xạ trị mà trở về nhà.

Thời gian đầu, bà dùng các loại thuốc theo chỉ định của giáo sư. Thuốc chủ yếu có tác dụng tăng khả năng miễn dịch, đào thải độc tố.

"Khi chưa gặp giáo sư, tôi tập trung ăn thức ăn bổ dưỡng, uống nhiều sữa và nước cam vì nghĩ là bổ. Sau đó, giáo sư đã tư vấn cho tối thực đơn nhằm bỏ đói tế bào ung thư. Đó là đoạn tuyệt với thịt đỏ (bò, lợn, chó, dê), chỉ ăn thịt gia cầm, tôm, cá", bà Trung kể.

Ăn thịt gia cầm, tôm, cá

Về tinh bột, ban đầu bà dùng nhiều gạo lứt với muối vừng, về sau trở lại dùng cơm như bình thường, vẫn ăn thêm gạo lứt, gạo mầm; không ăn đồ nướng, kiêng rau muống, rau má.

"Tôi được khuyên dùng nhiều rau sống, nhất là ăn càng nhiều diếp cá càng tốt. Tôi cũng ăn nhiều loại rau màu trắng như giá, bắp cải", bà Trung chia sẻ.

Bà tuyệt đối không dùng sữa bò, sữa dê tươi cũng như sữa bột để tránh kích thích tế bào ác tính phát triển. Thỉnh thoảng bà dùng sữa đậu nành và kiêng hoàn toàn dưa muối, đường, các loại hoa quả ngọt.

"Bác sĩ khuyên tôi uống nước chanh pha mật ong hàng ngày. Sáng nào tôi cũng uống một cốc. Tôi chỉ ăn hoa quả có vị chua như ổi, bưởi, không ăn hoa quả ngọt như cam. Hiện tại tôi ăn uống bình thường, mỗi bữa được 2 lưng cơm, mỗi tuần ăn vài bữa gạo mầm và gạo lứt", bà Trung cho biết.

Hiện tại, kết quả kiểm tra sức khỏe của bà cho thấy nồng độ CEA xuống thấp gần như mức bình thường.

CEA là một protein thường được tìm thấy trong mô của thai nhi. Nồng độ của protein này trở nên rất thấp hoặc biến mất sau khi trẻ ra đời. Ở người lớn, nồng độ CEA bất thường có thể là dấu hiệu của ung thư. Xét nghiệm CEA thường được sử dụng để theo dõi việc điều trị của bệnh nhân ung thư đại tràng.

Hơn 2 năm kể từ khi mắc bệnh, bằng việc áp dụng chế độ dinh dưỡng nói trên, sức khỏe bà Trung rất ổn định. Hàng ngày, bà vẫn dậy sớm chợ búa, cơm nước cho cả gia đình cũng như đảm nhận việc trông cháu nhỏ.

Chữa ung thư bằng cách phẫu thuật cắt bỏ khối u, rồi xạ và hóa trị hay áp dụng chế độ dinh dưỡng, kiêng một số thực phẩm hiện vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

Trong quá trình điều trị ung thư, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Người bệnh cần tìm hiểu rõ để thực hiện chế độ ăn uống cho phù hợp với từng loại ung thư, giai đoạn của bệnh và thể trạng.

 

Tác giả bài viết: Thái An