Cuộc sống

Ung thư phổi xâm nhập, tàn phá cơ thể như thế nào?

Lợi Trần

Tỷ lệ người bị ung thư phổi và chết vì bệnh này đang ngày càng gia tăng. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa có kết luận rõ ràng, nhưng hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài được coi là tác nhân chính.

Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và đang có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, nam giới chết vì ung thư thì ung thư phổi đứng thứ nhất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây số lượng người mắc ung thư phổi là nữ đang có xu hướng tăng lên.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do hút thuốc lá hay tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc, sống trong môi trường ô nhiễm, hóa chất, ăn uống lẫn sinh hoạt hàng ngày… Ung thư phổi ở thành thị cao gấp 5 lần nông thôn.

Ung thư phổi là gì?

Theo các nhà khoa học, ung thư phổi còn được gọi là ung thư phế quản là bệnh lý ác tính, phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế quản.

Bệnh diễn biến âm thầm và gây tử vong cao. Giống như các bệnh ung thư, ung thư phổi bắt đầu khi một hoặc nhiều tế bào phân chia một cách mất kiểm soát. Sau nhiều lần như vậy hình thành một khối tế bào nhỏ đường kính khoảng 1cm.

Nếu các tế bào này tiếp tục nhân lên thì khối này tiếp tục gia tăng về kích thước. Ở một số giai đoạn, những tế bào có thể rời khỏi khối u ban đầu và lưu hành đến các phần khác của cơ thể và phát triển thành khối u mới.

 

Ung thư phổi gây tổn hại sức khỏe con người vô cùng nhanh chóng (Ảnh minh họa: Afamily)

Những khối u ở phổi có thể gây chảy máu, làm tắc nghẽn đường hô hấp, gây ho, khó thở hay nhiễm khuẩn. Khối u có thể phát triển ra thành ngực gây đau. Đôi khi ung thư phổi có thể phát triển to và bệnh nhân không có triệu chứng.

Đặc điểm diễn biến về mặt sinh học của ung thư phổi là lan rộng và di căn. Do vậy, 90% bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi sẽ tử vong trong vòng 1 - 2 năm.

Bệnh ung thư phổi được chia thành hai loại chính là: ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15-20%) và ung thư phổi không phải tế bào nhỏ (80-85%). Mỗi loại ung thư phát triển và lan theo những cách khác nhau nên việc phân biệt hai loại này rất quan trọng vì phương pháp điều trị hoàn toàn khác nhau.

Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm tỷ lệ thấp hơn nhưng đây là loại bệnh phát triển nhanh và lây lan vào máu và các bộ phận khác của cơ thể. Thông thường, bệnh thường được chẩn đoán khi đã tiến triển nặng.

Ung thư phổi không phải tế bào nhỏ có thể được phân chia theo các loại khác nhau. Trong đó, ung thư biểu mô tế bào vẩy (dạng biểu bì) là loại thường gặp nhất trong tất cả các loại ung thư phổi, chiếm khoảng 40 - 45%, chủ yếu do hút thuốc lá nhiều. Bệnh nhân thường là 50 tuổi trở lên và hay gặp ở nam giới. Loại này thường bắt nguồn từ phế quản lớn, là ung thư phế quản trung tâm, hay gây triệu chứng ho máu, có thể gày sút cân sớm.

Ung thư biểu mô tuyến của phế quản: chiếm khoảng 40%, hiện nay xu hướng mắc bệnh típ này ngày càng cao. Bệnh có triệu chứng nghèo nàn, thường phát hiện ở giai đoạn muộn. Hay gặp ở nhóm không hút thuốc lá; gặp nhiều ở nữ giới; tuổi mắc bệnh trẻ hơn. Đa số ung thư mô tuyến bắt nguồn từ phế quản nhỏ, là ung thư phế quản ngoại vi. Có tiên lượng tốt hơn ung thư biểu mô vảy.

Ung thư biểu mô tế bào lớn: chiếm khoảng 10%, thường gặp ở các vùng bên ngoài của phổi, có xu hướng phát triển nhanh và lan nhanh hơn, điều trị khó khăn hơn.

Ung thư biểu mô tế bào nhỏ: có liên quan chặt chẽ với việc hút thuốc lá. Tuy nhiên, loại ung thư này di căn sớm và triệu chứng ban đầu nghèo nàn nên khi được chẩn đoán xác định thì đã di căn.

Ngoài ra, một số thể bệnh khác có thể gặp như u thần kinh nội tiết phổi; ung thư phổi kết hợp một hoặc một số thể bệnh trên, đặc biệt ở bệnh nhân trẻ; những khối ung thư di căn đến phổi…

Nguyên nhân gây ung thư phổi

Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó GĐ Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu các nhà khoa học (BV Bạch Mai), nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi vẫn chưa rõ ràng, nhưng khoảng 90% bệnh nhân là do hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài.
ung thư, ung thư phổi

 

90% bệnh nhân ung thư phổi đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm.

Những công nhân tiếp xúc với bụi silic có nguy cơ cao bị ung thư phổi. Nguy cơ này sẽ tăng lên nhiều lần nếu bệnh nhân có hút thuốc lá.

Ngoài ra, những người sống trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc lâu với các chất phóng xạ như uranium, mỏ kền, mỏ cromate; một số ngành nghề có tiếp xúc như công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt,...

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa bệnh ung thư phổi và sự tiếp xúc với một số chất gây ô nhiễm không khí nhất định như radon, amiăng...

Theo kết quả của các nghiên cứu, những công nhân phải tiếp xúc với một lượng lớn chất amiăng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn gấp 3-4 lần so với những người khác.

Bên cạnh đó, những bệnh nhân có bệnh mãn tính ở phổi như bệnh lý về kết hạch phổi hay ho do dị ứng thì thường có tỷ lệ phát bệnh ung thư phổi cao hơn những người bình thường.

GS.TS Mai Trọng Khoa cũng chỉ ra thêm, nhiều trường hợp ung thư phổi phát triển trên sẹo lao phổi cũ đã được phát hiện.

Gần đây, các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, yếu tố tiền sử gia đình liên quan đến gen di truyền cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

(Còn nữa)

Tác giả bài viết: Đ.Bảo