Trong nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn tại phiên họp thứ 25

Admin

Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là 2 thành viên Chính phủ sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến kéo dài 7,5 ngày, được tổ chức thành hai đợt, trong đó đợt 1 từ 14 - 18/8 và đợt 2 từ 24 - 26/8.

Đáng chú ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1 ngày làm việc để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 Toàn cảnh phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, sáng 15/8, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long sẽ đăng đàn trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Tư pháp, bao gồm việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Thành Long cũng trả lời chất vấn về thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan sẽ trả lời chất vấn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản như thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...

Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản cũng như việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo… cũng thuộc nhóm vấn đề Tư lệnh ngành Nông nghiệp sẽ trả lời.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều thời gian xem xét, cho ý kiến về công tác xây dựng pháp luật.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý: dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi); dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Về hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Cùng đó là nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023"; dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023"…

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 657/2019 quy định cụ thể chức vụ, chức danh của sĩ quan công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định trong Luật Công an nhân dân.

Đồng thời, xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2026; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Tác giả: ANH VĂN

Nguồn tin: vtc.vn