Thể thao

Vấn đề của V.League 2016: Chống "cháy" kiểu VFF!

Lợi Trần

Trong cùng một thời gian, bằng những kênh chính thức hoặc không chính thức, VFF đã có nhiều văn bản, phát ngôn hướng đến việc chống "cháy", nhưng hiệu quả thực tế của việc làm này tới đâu thì vẫn phải...chờ!

Đầu tiên là một công văn gửi VPF và các CLB, chỉ đạo về việc tăng cường phòng chống tiêu cực. Công văn này xuất hiện trong bối cảnh V.League diễn ra hàng loạt các trận đấu có tỷ số cao - mà nói theo ngôn ngữ của dân anh chị trong làng cá cược là "nổ tài".

Thậm chí cũng có những trận đấu tỷ số thấp, nhưng theo một thống kê uy tín thì nguồn tiền cá cược đổ vào trận đấu này lại cao và rất bất thường. Như thế có nghĩa, công văn nhắc nhở của VFF xuất hiện vào lúc mà người hâm mộ đang đặt ra nhiều dấu hỏi về tính trung thực của các trận đấu, và đang chờ đợi một động thái mạnh tay từ những nhà làm giải.

Nhưng thực ra đây cũng chẳng phải một việc mới mẻ gì, vì mùa giải nào cũng thế, cứ bước vào giai đoạn nhạy cảm là VFF lại ra công văn, thậm chí có mùa giải, trong công văn còn có nội dung răn đe đại loại: "Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra...", khiến dư luận đặt câu hỏi: Một khi đã thực tâm, và chủ động điều tra thì có nên tung ra một công văn theo kiểu "bứt dây động rừng" như thế?

Thế cho nên công văn nhắc nhở là một chuyện, thực sự VFF sẽ thực hiện những động tác cần thiết nào để "bắt tận tay, day tận mặt" những đối tượng nhúng chàm lại là một việc hoàn toàn khác. Còn nếu mọi thứ cũng chỉ dừng lại ở cấp độ công văn thì kinh nghiệm qua nhiều mùa giải cho thấy nó không phải là điều mà những kẻ nhúng chàm (nếu có) phải rùng mình sợ hãi.

 

Không hiểu VFF có hỏi BHL Hải Phòng về những trận đấu lạ của CLB này thời gian qua? Ảnh: H.M.

Bên cạnh vấn nạn những trận đấu bất thường, V.League thời gian qua cũng xuất hiện cả một phong trào lên án, chỉ trích trọng tài, và công tác tổ chức, điều hành trọng tài.

Điểm đến cuối cùng của mọi chỉ trích này nằm ở việc ông Nguyễn Văn Mùi - Trưởng ban Trọng tài lại đồng thời ngồi vào ghế Phó Ban tổ chức, khiến công tác trọng tài mất đi tính độc lập cần có.

Thậm chí, nói như Giám đốc kĩ thuật CLB FLC Thanh Hoá Lê Thụy Hải thì: "Làm như vậy có khác gì vừa đá bóng, vừa thổi còi?".

Trước thực trạng này PCT chuyên môn VFF Trần Quốc Tuấn đã trả lời một tờ báo: "Việc thành lập BTC là do phía VPF. Ban Trọng tài phải độc lập, nhưng khi Ban Trọng tài nằm trong BTC để tăng trách nhiệm lên thì chúng ta cần phải nhìn hai mặt, dù về nguyên tắc thì nên hạn chế. Không phải sai quy chế mà Ban Trọng tài không nên tham gia vào BTC, nên hoạt động độc lập làm sao cho khách quan nhất. Cá nhân tôi nghĩ không nên để Ban Trọng tài liên quan đến BTC, tôi sẽ kiến nghị VPF về vấn đề này".

Nếu những thông tin này là chính xác thì cũng giống như cái công văn nhắc nhở "rất đúng thời điểm" nêu trên, có thể nói phát biểu của PCT VFF Trần Quốc Tuấn cũng có thể coi là "rất đúng thời điểm", khi nó xuất hiện vào lúc công tác trọng tài đang bị phàn nàn, kêu ca trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Và cách ông Tuấn trả lời cũng giống với nhận định của số đông dư luận: Ban Trọng tài và BTC nên tồn tại độc lập nhau.

Tuy nhiên điều lạ ở chỗ, tại sao PCT VFF không đặt ra những vấn đề này trước khi dư luận lên tiếng? Nên nhớ, ông Tuấn vừa là PCT chuyên môn VFF, vừa là PCT Hội đồng quản trị VPF, nên lẽ ra ngay từ đầu, khi dư luận còn chưa kịp phát hiện và lên tiếng thì ông phải là người lên tiếng trước tiên. Đằng này, thời điểm và cái cách mà ông Tuấn "đá vấn đề" sang phía VPF, cứ như thể mình không liên quan gì tạo cho người nghe một cảm giác ông đang "nói theo", nói để làm "vừa lòng dư luận"(?).

Rõ ràng là V.League đang tồn tại những vấn đề nan giải, từ tính chất thực - giả của các trận đấu đến những tiếng còi bị đặt nhiều dấu hỏi  của các trọng tài. Và nhìn về mặt hình thức, rõ ràng VFF cũng đã có những công văn, những phát ngôn mang tính chữa cháy và chống cháy rất hợp thời điểm. Nhưng nhìn vào bản chất, xem ra cái kiểu chữa cháy và chống cháy... chạy theo dư luận này rất khó đem lại hiệu quả tích cực như những gì mà người hâm mộ nhọc công mong đợi.

 
Khó hiểu “thần thái” HLV Trương Việt Hoàng

Trong các trận đấu muộn vòng 16 V.League chiều chủ nhật vừa qua, trận Sài Gòn - Hải Phòng trên sân Thống Nhất khiến nhiều người bất ngờ khi chủ nhà thắng dễ 3-0 sau hiệp 1 nhưng đến hiệp 2 lại bị gỡ 3-3. Nhưng bất ngờ hơn nằm ở việc HLV trưởng Hải Phòng Trương Việt Hoàng ngồi bất động trong khu kĩ thuật suốt 90 phút trận đấu, nhường quyền chỉ đạo trên đường piste cho một trợ lý của mình.

Khi Hải Phòng rút ngắn tỷ số xuống 1-3, 2-3, rồi gỡ 3-3, gương mặt nhà cầm quân này vẫn đầy suy tư, chứ không reo hò, ăn mừng như một số lượng không nhỏ các CĐV đất Cảng trên khán đài.

Nhiều người nhớ lại, mùa giải trước, ở trận thua bất thường trên sân Cần Thơ, HLV Trương Việt Hoàng cũng nhường quyền chỉ đạo cho trợ lý, và cũng giữ một gương mặt suy tư như thế.

Cần nhắc đi nhắc lại, đây là trận đấu mà chính các CĐV Hải Phòng đã la ó dữ dội thái độ thi đấu của các cầu thủ đội nhà. Hôm qua, chúng tôi đã đặt những vấn đề này với HLV Trương Việt Hoàng, nhưng không nhận được dù chỉ một câu trả lời.

 
Ngọc Anh

Đã có những cảnh báo... nhạy cảm

Theo thông tin riêng của Báo Công an nhân dân, xung quanh hàng loạt vấn đề bất thường ở V.League vừa qua, những nhà tổ chức giải đã nhận được những thông tin cảnh báo khá nhạy cảm, và hiện tại công tác xem xét, điều tra đang được âm thầm triển khai.

Ở mùa giải 2013, cũng từng có một đợt điều tra âm thầm như thế, và kết quả là sau đó 5 trọng tài bị nhận diện là "có vấn đề" đã bị loại khỏi cuộc chơi.

Cũng khi đó, nhiều ông bầu đã bị chỉ mặt là "cho tiền làm hư trọng tài", và khi những ông bầu này phản bác thì những chứng cứ xác thực đã được đưa ra, khiến rất nhiều người sau đó chỉ còn nước... cúi mặt.

Tuấn Thành

Tác giả bài viết: Diệp Xưa