Kinh tế

Vì đâu cao tốc 2.100 tỷ đồng ở Việt Nam cắm biển hoành tráng nhưng thi công như "biểu diễn"?

Hậu Nguyễn

Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng các đơn vị thi công trên cao tốc này như đang "biểu diễn".

Cao tốc thi công như "biểu diễn"

Gần đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra thực địa dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan (thuộc địa phận Đà Nẵng), với tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng.

Tại buổi kiểm tra, đại diện đơn vị thi công báo cáo hiện đã triển khai khoảng 30 mũi thi công, nhưng dự án vẫn gặp khó khăn do vướng mắc mặt bằng tại một số điểm, người dân cản trở thi công và ảnh hưởng từ các đợt mưa lớn vừa qua.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy kiểm tra dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan. Ảnh: NLĐ

Tuy nhiên, ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, khẳng định công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành 11,27/11,47 km, chỉ còn 2 trường hợp phải cưỡng chế.

Ông Tôn cho biết, có thời điểm, đơn vị thi công chỉ đưa một máy móc đến công trường, làm qua loa rồi dừng, gây khó khăn cho chính quyền trong việc huy động lực lượng hỗ trợ.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, sau khi kiểm tra công trường, tỏ ra không hài lòng với tình trạng thi công ở dự án. Ông cho biết, 3 đơn vị thi công không đáp ứng yêu cầu về máy móc và thiết bị. Công trường thiếu sự đồng bộ, luộm thuộm, giống như "đưa máy móc ra biểu diễn".

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng các đơn vị thi công trên cao tốc Hòa Liên - Túy Loan như đang "biểu diễn". Ảnh: NLĐ

Trên đường thì cắm biển thi công rất hoành tráng, nhưng công trường lại vắng vẻ. Địa phương đã bàn giao mặt bằng, nhưng đơn vị thi công chỉ đưa một vài thiết bị sơ sài. Cách làm này không chấp nhận được, yêu cầu chủ đầu tư lập tiến độ cụ thể, và nếu cần thiết, phải xử lý vi phạm hợp đồng để tránh tình trạng này tái diễn, Thứ trưởng Bộ GTV nhận xét.

Hiện trạng thi công cao tốc 2.100 tỷ đồng

Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan, nằm trên địa phận TP. Đà Nẵng, hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, bao gồm việc giải phóng mặt bằng và điều kiện thời tiết bất lợi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công và giao thông.

Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc cấp 80, với vận tốc thiết kế 80 km/h. Khi hoàn thiện, đường sẽ có quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 29m. Trong giai đoạn phân kỳ, quy mô sẽ là 4 làn xe, bề rộng nền đường 22m, và kích thước cầu phù hợp với khổ nền đường.

Bụi dày khiến đất trời mờ mịt do thi công cao tốc. Ảnh: VTC News

Dự án được khởi công từ năm 2021 đến 2025, sử dụng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước. Cụ thể, vốn phân bổ gồm 4,6 tỷ đồng vào năm 2022, 845 tỷ đồng vào năm 2023, 845 tỷ đồng vào năm 2024, và 418,385 tỷ đồng vào năm 2025. Sau khi hoàn thành, tuyến Hòa Liên - Túy Loan sẽ kết nối cao tốc La Sơn - Túy Loan với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tạo mạng lưới giao thông đồng bộ trong khu vực.

Tuy nhiên, việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng khiến nhiều đoạn tuyến phải thi công kiểu "nhảy cóc", làm từng đoạn nhỏ trong khi chờ bàn giao mặt bằng. Ngày 15/11, chính quyền huyện Hòa Vang đã phải cưỡng chế một số hộ dân để bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.

Đặc thù vừa khai thác vừa thi công của dự án đã làm tăng thêm thách thức trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Việc di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A, nơi trùng lặp với khu vực thi công, trở thành "ác mộng" đối với tài xế và người dân.

Mặt đường đầy bùn đất lầy lội do thi công cao tốc. Ảnh: VTC News

Vào những ngày nắng, mỗi khi xe đi qua, bụi mù mịt bao phủ cả khu vực, làm giảm tầm nhìn của tài xế và gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu dân cư lân cận. Bụi bay thẳng vào nhà dân, khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

Ngược lại, vào những ngày mưa, người đi qua tuyến cao tốc phải đối mặt với bùn đất lầy lội, khiến phương tiện di chuyển chậm chạp và giao thông bị ùn tắc kéo dài. Những thách thức này khiến việc di chuyển trên tuyến Hòa Liên - Túy Loan trở thành một trải nghiệm "kinh hoàng".

Tại các nút giao giữa cao tốc Hòa Liên - Túy Loan với tuyến đường Hoàng Văn Thái và Nguyễn Tất Thành, tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên diễn ra, đặc biệt vào những ngày mưa.

Xe cộ phải xếp hàng kéo dài cả cây số, khiến nhiều tài xế không khỏi bức xúc. Tuyến đường qua Đà Nẵng chỉ dài hơn 10 km, nhưng vào những ngày mưa lớn, tài xế mất đến 40 phút để di chuyển qua, gây lãng phí thời gian và mệt mỏi.