Xã hội

Vì sao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục ùn tắc nhưng không thấy xả trạm thu phí?

Admin

Nhiều tài xế đi trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bức xúc, cứ vào những ngày nghỉ lễ, Tết là tuyến đường này bị ùn tắc nghiêm trọng, nhưng không xả trạm thu phí.

Vào những kỳ nghỉ lễ, điển hình như dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng, khiến cho những ai đi trên tuyến đường này đều bức xúc, đặt ra nhiều nghi vấn rằng, ùn tắc do chất lượng đường kém, hay chủ đầu tư yếu kém?

Cụ thể, vào chiều tối ngày 27 và sáng 28/4, tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bị kẹt cứng suốt nhiều tiếng đồng hồ. Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, đợt ách tắc bắt đầu lúc hơn 16h cho tới đêm muộn, tình trạng ách tắc vẫn chưa được khắc phục. Các phương tiện xếp hàng nối đuôi nhau, phải mất đến hàng tiếng đồng hồ mới có thể thoát ra được khu vực ùn tắc.

 Vì sao cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ liên tục ùn tắc? (Ảnh: Zing.vn).

Nhiều tài xế đi trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đều có chung một bức xúc, cứ vào những ngày nghỉ lễ, Tết là tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ bị ùn tắc nghiêm trọng. Điều đáng nói là, khi xảy ra ùn tắc kéo dài, trạm thu phí không mở barie xả trạm, thậm chí tại các tuyến đường dẫn vẫn mở cửa bán vé cho xe đi lên cao tốc.

Các phương tiện còn bị “giữ chân” từ 1 – 2 giờ trên cao tốc khiến cho việc về quê nghỉ lễ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tuyến này cũng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng vào ngày trời mưa và nghỉ lễ.

Bức xúc vì không kịp giờ về quê, anh T. Quyết (một tài xế thường xuyên đi trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) cho biết: “Tôi đi từ TP.Hà Nội về quê và thường bắt gặp tắc đường sau khi đi từ nút giao Pháp Vân được khoảng 3-4km. Chúng tôi đã mất 3-4 tiếng mới có thể di chuyển qua trạm thu phí Pháp Vân để tới huyện Thường Tín với quãng đường khoảng gần 20km”.

Còn anh Đình Phương (quê Nam Định, lái taxi) bức xúc: “Không biết chất lượng của tuyến cao tốc này ra sao, nhưng cứ thời tiết có mưa là tai nạn. Mặc dù, bộ GTVT có yêu cầu khi xảy ra ùn tắc phải xả trạm nhưng tôi đi qua đây chẳng bao giờ thấy xả trạm, chủ đầu tư thì cố gắng tận thu nên gây ra ùn tắc".

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Ngọc Oánh - Phó Tổng Giám đốc công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết: “Thời gian nghỉ lễ 30/4-1/5, tuyến đường bị ùn tắc giao thông là do mật độ phương tiện tăng cao đột biến và trên tuyến đường có tai nạn”.

Nói về tai nạn giao thông, ông Oánh cho rằng, nguyên nhân ban đầu xảy ra tai nạn là do trời mưa và tối nhanh, ảnh hưởng đến tầm nhìn của tài xế. Ngoài ra, do tài xế không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn nên dẫn tới tai nạn.

Cũng theo ông Oánh, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ ùn tắc là do tuyến đường vẫn còn một số đoạn đang thi công mở rộng bị rào chắn mất 1 làn xe, khi các phương tiện đi qua sẽ bị ùn tắc. Đơn vị không xả trạm thu phí là do khu vực trạm thu phí không bị ùn tắc, việc thu phí diễn ra thuận lợi.

Trong khi đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, TS. Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia tư vấn cao cấp dự án JICA cho rằng: “Nghị định của Chính phủ và bộ GTVT từng yêu cầu xả các trạm thu phí khi tuyến đường xảy ra ùn tắc 700 mét. Nhưng tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ không xả trạm khi ùn tắc, vậy rõ ràng họ đã vi phạm quy định, cần phải xử phạt”.

“Những bất cập liên quan tới việc thu phí, đặt trạm thu phí đã tồn tại từ lâu, lẽ ra cần phải giải quyết sớm, không để đến bây giờ. Đây là đường chỉ trải thảm nhựa nhưng lại thu phí theo tuyến cao tốc là bất hợp lý. Lẽ ra, bộ GTVT cần phải xử lý từ sớm nhưng không hiểu sao nó vẫn tồn tại”, TS. Đức chia sẻ.

Cũng theo TS. Đức, tuyến cao tốc này gây ra bức xúc từ lâu, đây là bất cập chung của nhiều dự án BOT. "Tôi được biết, tuyến cao tốc này đã quá thời hạn thu phí nhưng không hiểu vì lý do gì vẫn được thu phí. Trong khi đó, tuyến đường đang trong quá trình thi công xây dựng giai đoạn 2 gây nên nhiều bất cập mà vẫn thu phí là không được.

Đặc biệt, do đang thi công, mặt đường chưa đạt tiêu chuẩn dẫn tới các vụ tai nạn thương tâm, cơ quan chức năng cần tính toán lại cho hợp lý. Không hiểu sao bất cập là hiện hữu mà vẫn chưa được các cơ quan chức năng xử lý", TS. Đức đặt dấu hỏi.