Thế giới

Vì sao TQ im lặng bất thường trước đe dọa mới của ông Trump?

Admin

Gần 3 ngày trôi qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump \"nã phát súng\" tiếp theo vào cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bằng đe dọa về một đợt tăng thuế \"khủng\" đối với hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn giữ im lặng một cách bất thường.

Theo báo South China Morning Post, trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC hôm 20/7, ông Trump tuyên bố sẵng sàng áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng xuất xứ Trung Quốc, trị giá tổng cộng tới 500 tỉ USD. Cho đến nay, cả Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về diễn biến này.

 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc, từ Tân Hoa xã tới Thời báo Hoàn cầu, đều không đưa tin về đe dọa mới nhất của lãnh đạo Nhà Trắng. Bài xã luận đăng tải trên Nhân dân nhật báo ngày 21/7 cũng không đề cập đến việc Mỹ có thể tăng thuế nhập khẩu đối với tổng cộng 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, sự im lặng của Bắc Kinh là bất thường. Song, theo họ, hiện có một số lí do giúp lí giải động thái "lạ" này.

Gần đây, truyền thông Trung Quốc đã nhận được chỉ đạo không "đưa tin thái quá" về chiến tranh thương mại nhằm tránh gieo rắc sự hoảng sợ. Hơn thế nữa, Bắc Kinh có thể không coi lời dọa dẫm mới nhất của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn là một tuyên bố chính thức.

Chính phủ Bắc Kinh từng có phản ứng tức thì, mạnh mẽ đối với các đe dọa chính thức trước đây của chính quyền Tổng thống Trump. Cụ thể, khi Washington ngày 15/6 công bố sẽ áp thuế đối với các mặt hàng Trung Quốc, trị giá 50 tỉ USD, chỉ 1h30 sáng hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lập tức phát đi thông cáo về các biện pháp trả đũa, với một danh sách chi tiết các sản phẩm Mỹ sẽ bị Bắc Kinh tăng thuế nhập khẩu.

Và khi ông Trump công khai thuế suất nhập khẩu mới đối với các mặt hàng khác của Trung Quốc, trị giá 200 tỉ USD, Bắc Kinh nhanh chóng đáp trả rằng, họ sẽ "ăn miếng, trả miếng" tương ứng cả về "số lượng và chất lượng", dù không đề cập chi tiết đó là gì.

Theo Iris Pang, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại tập đoàn tài chính - ngân hàng ING, Trung Quốc không phản ứng trước phát biểu mới nhất của ông Trump một phần có thể vì tin tổng thống Mỹ chỉ đang cáu kỉnh bốc đồng. Bà Pang nói, đe dọa không có gì mới và nó có thể là thủ thuật nhằm phân tán sự chú ý của dư luận trong lúc ông Trump đang phải hứng "bão chỉ trích" vì hội nghị thượng đỉnh diễn ra vài ngày trước đó với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Helsinki, Phần Lan.

Các nhà phân tích nhận định, một lí do khác cho sự im lặng bất thường của Trung Quốc là nước này hiện chẳng có thêm điều gì cần bổ sung vào các tuyên bố trước đây. Chẳng hạn như, bài xã luận trên Nhân dân nhật báo ngày 20/7 đã tái nhắc lại quan điểm chính thức của Trung Quốc về việc chiến tranh thương mại là điều tồi tệ đối với tất cả mọi người.

Bài viết có đoạn: "Trung Quốc sẽ hứng chịu một số tổn hại từ cuộc chiến thương mại này với Mỹ ... và chúng ta cần phải thực thi một vài biện pháp đáp trả. Trung Quốc cần phải giáng xuống đầu Mỹ đòn tấn công trực diện và đau đớn, để nước này phải thực sự nhận ra rằng chiến tranh thương mại là thảm họa đối với Mỹ, các quốc gia khác và cả thế giới".

Bên cạnh đó, trong thực tế, như một số nhà phân tích đã chỉ ra, Trung Quốc có thể "không còn đủ miếng" để theo kịp đề xuất áp thuế đợt mới của ông Trump, tương đương tổng giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ năm ngoái. Theo dữ liệu thống kê của Mỹ, Trung Quốc chỉ nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ trị giá tổng cộng 130 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa, Bắc Kinh rốt cuộc có thể phải nhờ cậy đến các biện pháp phi thuế quan để trả đũa Washington.

Cho đến thời điểm hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đã áp thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa xuất xứ từ nước bên kia, trị giá tổng cộng 34 tỉ USD. Một đợt áp thuế bổ sung, nhắm vào 16 tỉ USD hàng hóa nữa dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vài tuần tới, trong khi Washington đang lên kế hoạch áp thuế suất 10% đối với các mặt hàng Trung Quốc nhập Mỹ, trị giá tổng cộng 200 tỉ USD.

Ngoài các đe dọa về tăng thuế nhập khẩu, ông Trump cũng lên tiếng chỉ trích về việc phá giá đồng nội tệ mới đây của Trung Quốc. Bắc Kinh hầu như vẫn phớt lờ các cáo buộc này của lãnh đạo Nhà Trắng.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách tỉ giá hối đoái của nước này, cũng hiếm khi công khai đáp trả Tổng thống Mỹ Trump. Song, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Yi Gang từng khẳng định, Bắc Kinh sẽ không sử dụng tỉ giá trao đổi đồng Nhân dân tệ (NDT) là vũ khí trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Đồng NDT yếu hơn so với đồng USD, về mặt lý thuyết, có thể giúp ích cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc. Lí do vì, các sản phẩm của Trung Quốc sẽ có giá cạnh tranh hơn tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nhà kinh tế Pang đánh giá, việc giảm giá đồng NDT gần đây xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua so với đồng USD, nhiều khả năng là phản ứng của thị trường trước đồng USD đang mạnh lên, hơn là một dạng trả đũa "chất lượng" của Bắc Kinh đối với Washington.