Du lịch

Viễn cảnh éo le của mì ramen Nhật Bản

Huyền Lộc

Giá nguyên liệu leo thang khiến một số chủ cửa hàng kinh doanh món mì ramen khó lòng giữ mức giá phải chăng như cũ, theo Reuters.

Mì ramen là món mì truyền thống của Nhật Bản, nổi tiếng với du khách nhờ rẻ và ngon. Ảnh: Christian Dala/Pexels.


Taisei Hikage (26 tuổi), chủ cửa hàng mì ramen ở Tokyo (Nhật Bản), đang đấu tranh chống lại một cuộc chiến biết trước kết quả. Mục đích không phải để thu hút khách hàng, mà là duy trì mức giá bán hiện tại.

Hikage chỉ vừa khai trương tiệm ở phía tây thủ đô vào một năm rưỡi trước, nhưng anh đã tăng giá thực đơn đến 3 lần. Trớ trêu thay, con số thu về vẫn không lời là bao sau khi khấu trừ tiền nguyên liệu.

"Tô 'ramen đặc biệt' được bán với giá 1.250 yen (khoảng 8 USD) là món đang bán chạy nhất của tôi, giá đã tăng 47% so với những ngày đầu", chủ cửa tiệm nói.

Mức giá hiện tại ở các tiệm kinh doanh ramen đi ngược lại với suy nghĩ của thực khách về món mì truyền thống của Nhật Bản. Số tiền 1.250 yen khiến món mì sợi vốn rẻ và ngon trở thành thức ăn dần xa tầm với của người dân.

Nguyên liệu làm ramen như bột, sợi mì tăng đội giá thành phẩm khi đến tay thực khách. Ảnh: Vicky Wasik/Serious Eats.


Theo Reuters, một lượng kỷ lục chủ quán ramen sắp phá sản trong năm nay. 49 tiệm ramen với khoản nợ ít nhất 10 triệu yen đã nộp đơn xin phá sản trong 7 tháng đầu năm. Số lượng đang trên đà vượt qua kỷ lục năm 2020 là 54 vụ phá sản, theo công ty nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank.

Điều này phản ánh cuộc khủng hoảng về chi phí nguyên liệu làm mì mà những người kinh doanh trong ngành thực phẩm phải đối mặt.

Việc lạm phát giá mì ramen trở thành đề tài nóng trong các cuộc tổng tuyển cử Nhật Bản hồi 20/10.

Thủ tướng Shigeru Ishiba thuộc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền tự nhận là một người cuồng mì ramen. Ông cùng đại diện các đảng đối lập đưa ra cam kết với nhiều biện pháp khác nhau để bù đắp chi phí gia tăng cho các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Hikage quá bận rộn với quán mì nên không thể bỏ phiếu. Song, chủ quán hy vọng người chiến thắng sẽ xem xét việc đề xuất các khoản trợ cấp để nâng đỡ phần nào giá mì đang leo thang.

Trái ngược với cảnh phá sản của một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực, cửa hàng của Hikage vẫn chứng kiến lượng lớn thực khách ghé ăn, bất chấp việc tăng giá nhiều lần, thậm chí ông còn sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước. Trong khi đó, nhiều nhà hàng ramen phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên liệu nhập khẩu như bột mì.

Bên cạnh đó, chi phí nhập khẩu của Nhật Bản đã tăng khi đồng yen trượt giá. Đồng tiền đã chạm mức thấp nhất trong vòng 34 năm, Reuters đưa tin.