Trong nước

Vụ Formosa: “Chất ô nhiễm vẫn tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển”

Lợi Trần

Trao đổi với PV Dân trí, GS Mai Trọng Nhuận- nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng chất ô nhiễm mà Formosa thải ra tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển nên việc lựa chọn công nghệ xử lý cần dựa vào các kết quả đánh giá mức độ và phạm vi ô nhiễm.


GS Mai Trọng Nhuận (Ảnh nhân vật cung cấp)

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Bộ Tài nguyên-Môi trường và các bộ, ngành liên quan trong việc tìm ra nguyên nhân dẫn tới hiện tượng hải sản chết hàng loạt, cũng như chỉ rõ thủ phạm gây ra việc đó là Formosa?

Giáo sư Mai Trọng Nhuận: Đây là một sự cố môi trường biển lớn nhất và nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Phạm vi xảy ra sự cố môi trường biển rất rộng kéo dài trên 4 tỉnh có đặc điểm địa hình, hải văn, khí tượng phức tạp.

Từ khi xảy ra sự cố môi trường, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ban ngành liên quan để tiến hành khẩn trương, bài bản, khách quan, khoa học, chặt chẽ, đúng pháp luật, kết hợp đồng bộ nhiều phương pháp với sự huy động tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước để đánh giá toàn diện nguyên nhân gây ra hiện tượng hải sản chết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nỗ lực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và đạt được kết quả như hôm nay. Kết quả này là thành công thể hiện bản lĩnh và cam kết của Chính phủ với nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Sau khi kết luận được Chính phủ công bố, theo ông, những công việc cần phải làm ngay để khắc phục sự cố môi trường này là gì?

Thứ nhất, theo tôi là phải tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng; tiếp tục thực hiện giám sát quy trình sản xuất và xả thải của nhà máy để đảm bảo không xảy ra sự cố tương tự.

Thứ hai, xác định mức độ ô nhiễm và khoanh vùng ô nhiễm môi trường biển để công bố thông tin cho nhân dân được biết, đánh giá mức độ suy thoái của hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật, đồng thời khẩn trương đánh giá tổng thể thiệt hại kinh tế - xã hội, tài nguyên, môi trường do sự cố và triển khai công tác bồi thường cho người dân ven biển bốn tỉnh miền Trung.

Thứ ba là tiến hành các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường biển, hồi phục các hệ sinh thái quan trọng và các giải pháp đảm bảo môi trường biển an toàn lâu dài, áp dụng công nghệ giám sát môi trường tại các khu vực trọng điểm nhằm ngăn ngừa những sự cố môi trường tương tự xảy ra trong tương lai; xây dựng giải pháp nâng cao năng lực của hệ thống để ứng phó tốt hơn các sự cố môi trường tương tự nếu chúng xảy ra trong tương lai.

Về lâu dài, cần xây dựng và thực hiện kế hoạch quốc gia ứng phó các sự cố/thảm hoạ môi trường; thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó với tình huống khẩn cấp, trong đó có những tình huống khẩn cấp quốc gia liên quan đến môi trường, thiên tai...

Với công nghệ hiện nay, chúng ta có thể xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm do Formosa gây ra hay không và phải mất thời gian khoảng bao lâu?

Theo kết quả quan trắc môi trường biển hàng ngày được công bố trên báo đài trong những tháng vừa qua đã cho thấy các thông số ô nhiễm môi trường nước biển đã trở về trong ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia.

Nhưng chất ô nhiễm do sự cố môi trường này vẫn tồn lưu trong trầm tích mặt đáy biển. Việc lựa chọn công nghệ xử lý trầm tích biển bị ô nhiễm cần dựa vào các kết quả đánh giá mức độ và phạm vi ô nhiễm đang được tiến hành. Kinh nghiệm xử lý sự cố môi trường của các nước trên thế giới cho thấy việc này đòi hỏi nguồn lực, kinh phí và thời gian dài.

Vấn đề cần đặc biệt lưu ý là phải nghiên cứu và áp dụng các giải pháp hồi phục các hệ sinh thái (như san hô, cỏ biển,...), tài nguyên sinh vật bị tổn thương do sự cố môi trường này. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc phục hồi rạn san hô qua các dự án trồng mới tại Phú Quốc và Cù Lao Chàm. Việc tổ chức thực hiện, chăm sóc phục hồi để san hô có thể sống khoẻ cần khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm. Nhưng có thể cần tới khoảng 50 năm để hồi phục hoàn toàn hệ sinh thái san hô....

Trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý để không xảy ra sự cố môi trường thông qua giám sát, kiểm soát quy trình vận hành hệ thống xử lý chất thải, việc thực hiện các yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và tài nguyên cũng như chất lượng nước thải trước khi thải ra môi trường.
 

Đến nay chưa có thống kê thiệt hại thực tế mà người dân 4 tỉnh miền Trung phải gánh chịu từ sự việc Formosa gây ô nhiễm là bao nhiêu

Ông có cho rằng đồng thời với việc xử lý ô nhiễm trên biển thì Việt Nam cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhà máy, công nghệ mà Formosa đang sử dụng, xử lý nước thải ra biển như thế nào hay không? Thậm chí mời cả các tổ chức uy tín quốc tế vào đánh giá việc này?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kết hợp với các ban ngành, các nhà khoa học để thực hiện nhiệm vụ này. Kết quả các nhà khoa học đã đánh giá công nghệ sản xuất, xử lý chất thải, phòng ngừa sự cố và xây dựng các kế hoạch, yêu cầu cụ thể để khắc phục tồn tại, đảm bảo không xảy ra sự cố môi trường tương tự trong tương lai.

Cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải vào vùng ven biển để đảm bảo nước thải được xử lý triệt để trước khi thải ra môi trường, dựa vào cả nồng độ chất ô nhiễm và tổng tải lượng nước thải; ngăn chặn kịp thời các nguồn thải vượt tiêu chuẩn/quy chuẩn môi trường vào môi trường biển.

Các cơ quan quản lý về môi trường cần thanh tra, kiểm tra, quan trắc và giám sát chất lượng môi trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường để đảm bảo không xảy ra sự cố môi trường như vừa qua.

Theo ông có nên thành lập một uỷ ban hoặc tổ chức giám sát toàn bộ quá trình xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố và trách nhiệm của Formosa trong việc này?

Từ kinh nghiệm điều tra nguyên nhân của sự cố môi trường, Chính phủ và Nhà nước cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quản quản lý nhà nước về quản lý, giám sát các sự cố môi trường; cần thành lập một uỷ ban hoặc tổ chức giám sát toàn bộ quá trình xử lý ô nhiễm, khắc phục sự cố và trách nhiệm của Formosa trong việc này. Mặt khác cần xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia về ứng phó sự cố môi trường đến năm 2030 và Thành lập Ủy ban Quốc gia ứng phó với tình trạng khẩn cấp để tổ chức triển khai việc quản lý các sự cố môi trường tương tự.

Xin cảm ơn ông!


 

Tác giả bài viết: Thế Kha (thực hiện)