Theo ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia về môi trường kinh doanh, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Vụ việc của Khaisilk ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin người tiêu dùng vào hàng Việt, nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính.
Các dấu hiệu hoàn toàn có thể hình sự hoá
Chia sẻ với PV Dân Trí, ông Đức cho rằng: Vụ khăn lụa Khaisilk là một vấn đề đáng chú ý về pháp luật kinh tế. "Để nền kinh tế thị trường có thể vận hành tốt, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của Nhà nước là bảo vệ tài sản và hợp đồng. Nền kinh tế thị trường thì cần có tự do hợp đồng, tức là Nhà nước không can thiệp vào một giao dịch mua bán hàng hoá, sử dụng dịch vụ khi mà hai bên đã đạt được thỏa thuận trên cơ sở không ép buộc, không lừa dối. Nhưng nếu có sự lừa dối khi giao kết hợp đồng, từ cái nhỏ như cân điêu ở chợ hay gian lận cước taxi, đến cái lớn như Huyền Như lừa đảo cả nghìn tỷ đồng, thì cần có bàn tay Nhà nước can thiệp", ông Đức nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế, VCCI |
Theo đại diện của VCCI: Sự can thiệp của Nhà nước không phải là hình sự hóa quan hệ dân sự kinh tế. Bởi nếu cái hợp đồng đó được lập dựa trên gian dối thì đó không còn là quan hệ dân sự kinh tế nữa. Nhà nước hoàn toàn có thể hình sự hoá.
Trả lời về vấn đề gian lận nguồn gốc hàng hóa của Khaisilk có nguy hiểm cho xã hội không? Ông Đức cho rằng: Lừa mỗi người vài trăm nghìn đến vài triệu đồng; lừa hàng trăm người, hàng nghìn người cả chục năm thì giá trị trở nên rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, vụ việc của Khaisilk, theo ông Minh Đức, không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn. Hành vi của gắn mác sai lệch này còn gây một tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những DN đang nỗ lực kinh doanh chân chính.
Chuyên gia Minh Đức nhấn mạnh: "Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hóa nữa”.
"Kim thiền thoát xác" và lòng tham của doanh nghiệp Việt
Xung quanh vụ việc liên quan đến Khaisilk, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đã chia sẻ về hiện trạng "kim thiền thoát xác" của hàng Trung Quốc và lòng tham của các doanh nghiệp Việt.
Không nói trực tiếp về một vụ việc quá rõ như Khaisilk, bà Hạnh đưa ra cảnh báo về nạn hàng Trung Quốc trà trộn hàng Việt từ kinh nghiệm thực tế của mình.
Bà Hạnh cho biết: Mấy năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, chúng tôi thấy, ở các ngành này có nhiều DN “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh không xiết. Siêu thị lớn nổi tiếng ưu ái hàng Việt, bán hàng thời trang, ngoài dán nhãn made in Việt Nam, trong bâu áo, còn nguyên nhãn made in China.
Bà Hạnh kể: Tôi đến thăm trung tâm triển lãm hàng vật liệu xây dựng Phật Sơn, thấy trên nóc của cái sảnh khổng lồ có treo cao một lá cờ Việt Nam to ở vị trí rất trọng vọng. Người hướng dẫn nói Việt Nam là một trong những quốc gia nhập hàng vật liệu xây dựng của chúng tôi nhiều nhất".
Các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mấy năm trước hăng hái “bắc tiến”, nay không ít công ty quay về vì chịu không nổi. Hàng Trung Quốc bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác”.
Khó với hàng trong nước, dễ với hàng nước ngoài
Doanh nhân Thái Lan, Trung Quốc dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan ở Việt Nam một cách “tỉnh bơ”. Họ đầu tư qua Campuchia, Lào và khắp các nước để rửa cái gốc "made in China".
bà Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao |
Doanh nhân Việt Nam, nhập hàng Trung Quốc về bán, vì thời thị trường, vì THAM (quá rẻ, mẫu mã nhiều dễ bán, giao nhanh, trả tiền chậm…) vì LỪA, thực sự cũng dễ lừa người tiêu dùng và rồi có những người thành ra ÁC vì 3 điều: giết sản xuất trong nước, làm hỏng niềm tin người tiêu dùng với hàng Việt và có khi bán hàng độc, hại người.
Hàng ta không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc bởi vì mình yếu, thiếu sức cạnh tranh, trong khi đó các DN trong nước còn loay hoay tự gỡ đủ thứ trói buộc: Mấy ngàn giấy phép con, thanh tra - kiểm tra, thuế phí, bảo hiểm cứ tăng, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào càng tăng.
"Khi biết rằng sự thua kém hàng Trung Quốc như điều thấy trước, thậm chí khách quan thì chúng ta đã làm gì để bảo vệ nền kinh tế của mình, nhất là bảo vệ doanh nghiệp của mình. Chúng ta đã làm gì để thực sự hỗ trợ DN của mình, điều hiển nhiên, bức bách cần làm để cạnh tranh với hàng Trung Quốc ngay trên đất nước mình? Hiện nay, họ bán và đóng băng, giải thể các nhà máy, công ty hàng loạt. Rồi mai này, nền SX KD của VN sẽ ra sao?", bà Hạnh nói.
Chủ tịch Hiệp hội DN chất lượng cao bày tỏ lo ngại: Đó là chưa kể “xu hướng lệ thuộc kinh tế TQ” mà Đại biểu quốc hội Trương trọng Nghĩa và nhiều người, nhiều tổ chức đã cảnh báo trước Quốc hội mấy năm trước, còn nói dài dài tới bây giờ.
"Đây là câu chuyện phải nghiên cứu, nhưng không chỉ ngâm cứu hoài, mà phải hành động để tự cứu mình", bà Hạnh nói.