Thế giới

Vũ khí mới Trump có thể tung ra trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Admin

Lôi kéo đồng minh bằng các thỏa thuận \"cây gậy và củ cà rốt\" mới được coi là giải pháp để Mỹ tăng sức ép thương mại với Trung Quốc.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Ngoài cái tên mới, Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) vừa được ba nước thông qua có nội dung không mấy khác biệt so với Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà nó thay thế. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại chứa đựng một "vũ khí bí mật", góp phần hé lộ chiến thuật mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chống lại những tham vọng về kinh tế, địa chính trị của Trung Quốc, theo Bloomberg.

Điều 32.10 trong USMCA quy định các nước thành viên phải được hai nước kia nhất trí mới được đàm phán thương mại với một nền kinh tế bị coi là "phi thị trường", thuật ngữ thường được dùng để chỉ Trung Quốc. Chẳng hạn như nếu Canada muốn ký thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc, họ sẽ phải đệ trình dự thảo thỏa thuận để cả Mỹ và Mexico xem xét. Nếu hai nước này không hài lòng với các điều khoản trong đó, họ sẽ "đá" Canada ra khỏi USMCA.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ví điều 32.10 trong USMCA là "điều khoản thuốc độc" nhằm tăng sức ép thương mại với Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng điều khoản này chắc chắn gây ra hiệu ứng răn đe không nhỏ đối với quan hệ thương mại giữa Canada và Mexico với Trung Quốc. Khi phải chọn giữa một nền kinh tế lớn bên kia bờ Thái Bình Dương và một gã khổng lồ ở ngay bên cạnh, hai nước này chắc chắn sẽ chọn Mỹ.

Bình luận viên Noah Smith cho rằng đây là một chiến thuật mới mà Trump tung ra trong cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Bắc Kinh, sau khi liên tiếp thực hiện các đợt áp thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Vũ khí này nhiều khả năng được Tổng thống Mỹ và các cố vấn của mình áp dụng sau khi nhận ra rằng những nỗ lực đơn phương của Washington là không đủ để buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ trong các vấn đề chủ chốt như định giá đồng tiền, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ công nghiệp.

Thống kê năm 2017 cho thấy thị trường Mỹ chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Nước này còn xuất khẩu đến hàng loạt thị trường khác trên thế giới, chẳng hạn như Hong Kong (12,4%), Nhật (6%)..., nên những đòn áp thuế của Trump sẽ không đủ để khiến lãnh đạo Trung Quốc phải thay đổi quyết tâm đối đầu thương mại của mình.

Nếu Trump chỉ dùng mỗi vũ khí là áp thuế, Trung Quốc chỉ cần đơn giản là chuyển các mặt hàng xuất khẩu của mình sang những thị trường khác. Khi đó, đòn áp thuế của Trump lại phản tác dụng, khi cả thế giới trở nên gần gũi hơn với Trung Quốc, trong khi sức ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ bị suy yếu. Kinh tế Trung Quốc lúc đó sẽ chịu ảnh hưởng nhỏ trong thời gian ngắn nhưng sẽ hồi phục, còn vị thế trung tâm kinh tế thế giới của Mỹ sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

Để đối phó hiệu quả với Trung Quốc, Trump hiểu rằng ông cần có nhiều đồng minh, và khối đồng minh đó phải lớn hơn khu vực Bắc Mỹ. Nhưng phần lớn các nước ở châu Âu và Đông Á không dễ bị ép phải đưa ra lựa chọn giữa Washington với Bắc Kinh, bởi quan hệ kinh tế giữa họ với Mỹ không quá sâu đậm như Mexico và Canada. "Các nước như Hàn Quốc, Đức, Ấn Độ hay Nhật Bản cần phải có cả cà rốt lẫn gậy nếu muốn họ cùng tham gia vào một mặt trận thương mại chống Trung Quốc do Mỹ dẫn đầu", Smith viết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đề xuất các ý tưởng lớn như những "củ cà rốt" lôi kéo đồng minh, đó là hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở châu Á và hiệp định Đối tác Đầu tư và Thương mại Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) ở châu Âu. Hai hiệp định này nếu được ký kết sẽ tạo thành hai khối thương mại lớn do Mỹ dẫn đầu, nhưng không có Trung Quốc. Điều này sẽ giúp các nước có quan hệ sâu rộng hơn với Mỹ và có thể tạo thành một liên minh đàm phán để gây sức ép với Trung Quốc về hành vi thương mại của nước này.

Nhưng đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, TPP nhanh chóng hứng chịu sức ép chính trị từ trong nước Mỹ, khi ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton tuyên bố không ủng hộ, còn tỷ phú Trump cam kết sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận này nếu ông đắc cử, và đó là là một trong những hành động đầu tiên của ông sau khi giành chiến thắng.

Nhiều nhà phân tích khi đó coi việc Trump quyết định rút Mỹ khỏi TPP là một "món quà trời cho" với Trung Quốc. Động thái này của Mỹ khiến giới lãnh đạo Đông Á thất vọng, buộc các nước phải tìm kiếm các thỏa thuận kinh tế riêng rẽ với Trung Quốc, cũng như thu hẹp đáng kể quy mô nhóm đồng minh mà Trump có thể huy động để đối phó với Bắc Kinh.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đến hồi khốc liệt, chính quyền Trump dường như đang có những điều chỉnh lớn. Nhà Trắng tuần qua thông báo với quốc hội Mỹ rằng họ sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Nhật, Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Chính quyền Trump cũng tuyên bố đang xem xét các thỏa thuận thương mại tự do với Philippines và Việt Nam, theo NYTimes.

Trong hội nghị thượng đỉnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới diễn ra tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Mỹ có thể áp dụng mô hình USMCA cho các thỏa thuận thương mại tương lai với các nước. Trump hồi tháng 4 cũng khẳng định sẽ xem xét việc tái gia nhập TPP nếu đạt được những thỏa thuận tốt hơn.

Theo Smith, những dấu hiệu này cho thấy chính quyền Trump có thể sẽ đi đến một thỏa thuận thương mại tương tự TPP với các nền kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương, dưới một cái tên khác cùng các điều khoản mới. Thỏa thuận đó có thể bổ sung một số ưu đãi cho các ngành công nghiệp Mỹ, đặc biệt là ngành sản xuất ôtô, nhưng thay đổi đáng chú ý nhất sẽ là "điều khoản thuốc độc" liên quan đến thương mại với Trung Quốc.

Không giống như USMCA, Mỹ không thể đòi hỏi các quốc gia Đông Á phải được Washington chấp thuận trước khi ký bất cứ thỏa thuận thương mại nào với Bắc Kinh. Tuy nhiên, hiệp định TPP kiểu mới có thể yêu cầu các thành viên cam kết tham gia vào một khối thống nhất để đàm phán thương mại với Trung Quốc cũng như yêu cầu các nền kinh tế "phi thị trường" cải thiện hành vi thương mại của mình.

"Việc Trump sẵn sàng giữ NAFTA gần như nguyên vẹn và mở lại đàm phán thương mại với châu Âu là những tín hiệu rất lạc quan, cho thấy châu Á có thể là mục tiêu tiếp theo của ông", Smith nhận định. "Trong cuộc đấu nhằm giành lợi thế cho Mỹ trước các cuộc đàm phán thương mại tương lai với Trung Quốc, một thỏa thuận TPP kiểu mới sẽ là vũ khí tiềm năng nhất của Trump".