Giáo dục

Vụ nâng điểm thi ở Hà Giang: Cần thanh tra các địa phương khác!

Admin

Việc nâng điểm 330 bài thi THPT Quốc gia của tỉnh Hà Giang, trong đó có những bài nâng \"từ 1 nhảy lên 8,75\" được Bộ GD-ĐT công bố chiều nay đã gây choáng váng cho tất cả mọi người. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để công bằng, cần thanh tra các địa phương khác.

Nâng điểm một cách liều lĩnh, trắng trợn

Việc nâng điểm trong kỳ thi THPT tại Hà Giang có thể nói là bê bối lớn nhất trong ngành giáo dục từ trước đến nay. Chuyện gian lận trong thi cử từng xảy ra không ít, nhưng dám "đột nhập" vào dữ liệu điểm thi quốc gia để nâng điểm một cách liều lĩnh, trắng trợn thì đây là lần đầu tiên được biết đến.

Trước thông tin nâng điểm của Hà Giang, TS Nguyễn Thị Thu Huyền, ĐH Sư phạm TPHCM đã phải thốt lên là quá kinh khủng. Không phải 1-2 bài mà sửa hàng trăm bài thi. Từ sự việc này, theo bà Huyền, để công bằng, cần thanh tra các địa phương khác.

Bà Huyền nói: "Bắt đầu vào năm học mới chậm một chút không sao, các trường ĐH có thể chờ. Nhưng nếu nhắm mắt cho qua sự dối trá, bất công thì đồng nghĩa với việc hủy hoại xã hội, đất nước".

 Từ việc nâng điểm hàng trăm bài thi ở Hà Giang, nhiều ý kiến cho rằng cần thanh tra các địa phương khác

Bà Huyền cũng không thể lý giải nổi nhận thức về sự công bằng và trung thực của người liên quan đến sự việc này. Ở vị trí đó, làm công tác giáo dục bao nhiêu năm, họ phải hiểu hơn ai hết, khi nâng điểm một số em thì đồng thời các em khác sẽ phải gánh chịu bất công.

Cần có xử lý thích đáng

Từ nhiều ngày qua, dù khó tin vào kết quả thi cao vời vợi của nhiều thí sinh ở Hà Giang nhưng cô Lê Ngọc Anh, giáo viên dạy học ở TPHCM vẫn không dám tin có thể xảy ra những chuyện khủng khiếp như vậy. Bữa giờ cô chưa dám tin nhưng giờ cô đã thừa nhận rằng, chuyện khó tin, bất công nào cũng có thể xảy ra.

"Nghĩ nhiều học sinh của mình học ngày học đêm, học bòn từng chữ để thực hiện những ước mơ tương lai của mình và gian dối trong việc sửa điểm thi này mà tôi chảy nước mắt. Đây là một dạng tham nhũng đáng sợ nhất - tham nhũng kiến thức loại bỏ những em thật sự có năng lực, khát vọng", cô Anh nghẹn ngào.

Đồng thời, giáo viên này cũng mong sự việc này cần được làm đến nơi đến chốn, xử lý thật sự thích đáng tất cả những người liên quan và cũng cần làm rõ liệu có tình trạng này ở những địa phương khác.

Như sự việc ở Hà Giang, chỉ mất mấy ngày đã tìm ra thì Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể lập thêm vài tổ kiểm tra. Nếu không thể kiểm tra tất cả thì kiểm tra một cách ngẫu nhiên hoặc những tỉnh nằm trong diện nghi ngờ xem có "sự cố" như thế này không. Nếu thật sự phát hiện ra thì cần xem lại cách tổ chức thi, chấm thi như hiện nay.

"Thậm chí, nếu cần thiết phải thanh tra lại cả kết quả của năm ngoái xem có những bất thường không?", cô Anh nêu ý kiến.

Chỉ ra bất thường hết sức khủng khiếp trong điểm thi ở Hà Giang bằng xử lý thống kê, GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) cũng vừa xử lý dữ liệu điểm thi của tỉnh Sơn La - một tỉnh nằm trong diện "nghi ngờ" rất nhiều người quan tâm. Ông cho biết kết quả phân tích điểm thi của Sơn La cho thấy quả thật có đáng nghi ngờ, tuy mức độ không nghiêm trọng như ở Hà Giang. Điểm thi chênh lệch tập trung ở các môn Lý, Toán.

Đối với môn Toán, Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9,0 đến 9,8 cao bất thường. Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng.

Đối với môn Lý, thấy có sự bất thường ở ngưỡng điểm cao (trên 9). Số học sinh có điểm 9,0 trở lên ở Sơn La là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh. Nói cách khác, số thí sinh có điểm vật lí cao ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.

GS Nguyễn Văn Tuấn cho biết, việc xử lý "phổ điểm" của các tỉnh không phức tạp. Với dữ liệu có sẵn, và với một chút kĩ năng về ngôn ngữ R, có thể cho ra những kết quả của các tỉnh để "nhận dạng" những tín hiệu, những bất thường.

 Thí sinh tại TPHCM trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018

Một cá nhân không thể làm được việc nâng điểm

ThS Phạm Thái Sơn, trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, phụ trách chấm thi trắc nghiệm, ban chấm thi cụm Tây Ninh thông tin, quy trình tổ chức chấm thi rất chặt chẽ. Bài thi của thí sinh được hai cán bộ coi thi thu lại, làm biên bản thua nhận bài thi rồi cho vào bì, niêm phong tại chỗ. Các bì chứa bài thi này được đưa vào thùng, tiếp tục niêm phong và có chữ ký của cán bộ điểm thi, phó điểm trưởng do ĐH phụ trách và cán bộ an ninh. Nơi tập kết bài thi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt bởi lực lượng công an.

Sau đó, với các môn thi trắc nghiệm, thùng đựng phiếu trả lời của thí sinh mở trước sự giám sát của thư ký hội đồng chấm thi, phó ban chấm thi do đại học phụ trách và cán bộ an ninh. Ngoài ra, sẽ có một cán bộ thanh tra điểm thi giám sát quá trình mở thùng và túi đựng bài thi này, kiểm tra các chữ ký tại mép niêm phong có giống như chữ ký đã đăng ký hay không. Mọi thủ tục được hoàn thành, túi đựng bài thi được cắt ra, lấy phiếu trả lời trắc nghiệm cho vào máy quét, lưu dữ liệu vào một đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT.

Thậm chí, trong quá trình chấm, với những bài thi bị lỗi do quăn mép, nhăn..., các cán bộ sẽ có xử lý riêng, tất cả được đều được lập biên bản, lưu trữ liệu trước và sau khi xử lý để đối chứng. Sau khi đã quét xong trắc nghiệm lấy dữ liệu ban đầu, phiếu trả lời lại được đưa vào túi, cho vào thùng, niêm phong và lưu trữ nghiêm ngặt. Khi có đáp án, Bộ GD-ĐT đồng thời gửi phần mềm cho các hội đồng chấm thi để họ tiến hành chấm trắc nghiệm.

Với quy trình như vậy, ông Sơn nhấn mạnh nếu 1 cá nhân thì không thể thực hiện được việc nâng điểm thi. Chỉ trừ trường hợp cá nhân đó được giao quyền làm toàn bộ từ giữ bài thi đến chấm thi.

"Nhiều năm phối hợp làm công tác thi, tôi tin tưởng vào kết quả thi. Mong muốn Bộ GD-ĐT cần làm rõ để đem lại danh dự cho đội ngũ thầy cô công tác trong ngành giáo dục và niềm tin cho mọi người", ông Sơn nói.