Daily Mail ngày 11-9 dẫn nguồn Funai, cơ quan bảo vệ các bộ lạc, cho biết các nạn nhân bị sát hại trong lúc thu lượm trứng dọc sông Amazon.
Nhóm công nhân mỏ sau đó đến một quán bar dọc biên giới Colombia, kể về vụ thảm sát và khoe một mái chèo chạm khắc mà họ tuyên bố là chiếm đoạt từ các nạn nhân.
Tổ chức Funai cho biết nhóm công nhân mỏ kể về việc chặt thi thể của các nạn nhân rồi ném xuống sông Amazon. Cũng có nguồn tin nói rằng họ ra tay để tự vệ.
Theo New York Times, Funai đã trình đơn khiếu nại chính thức lên chính phủ về vụ việc, yêu cầu giới chức tiến hành một cuộc điều tra.
10 thành viên của một bộ lạc sống cô lập trong rừng Amazon có thể đã bị một nhóm công nhân mỏ sát hại. Ảnh: Funai |
Vụ thảm sát được báo cáo là xảy ra vào tháng trước ở thung lũng Jarvai, nơi ở của khoảng 20 trong số 103 bộ lạc sống cô lập ở Brazil. Tổ chức Funai khẳng định mặc dù họ có nhiều bằng chứng về vụ tấn công, vụ việc phải mất một thời gian để được xác minh vì nó xảy ra ở vùng xa xôi, hẻo lánh.
Tổ chức bảo vệ các bộ lạc Survival International cho biết nếu được xác nhận, vụ tấn công đã làm giảm một tỷ lệ đáng kể dân số của bộ lạc vì hầu hết các bộ lạc có rất ít người.
Vụ thảm sát được cho là xảy ra ở thung lũng Jarvai vào tháng rồi. Ảnh: National Foundation for the Indians |
Đây không phải là lần đầu tiên các bộ lạc bị người ngoài tấn công. Trước đó, vào năm 2011, toàn bộ một bộ lạc mất tích sau khi các tội phạm ma túy vũ trang vượt được đồn bảo vệ của Funai.
Các nhân viên Funai sau đó bắt được nhóm tội phạm này và phát hiện một mũi tên gãy bên trong ba lô của chúng, làm dấy lên lo ngại bộ lạc đã bị xóa sổ.
Nhóm Funai chỉ trích chính phủ Brazil cắt giảm ngân quỹ của họ, buộc họ phải đóng các trạm bảo vệ và cắt giảm nhân viên.
Brazil có chính sách không liên lạc với các bộ lạc nhưng vẫn nỗ lực bảo vệ họ và toàn vẹn lãnh thổ của họ.