Pháp luật

Vụ việc “3 số 0 và khoản nợ hơn 7 tỷ đồng”: Dấu hiệu bất thường của một bản án

Lợi Trần

Vừa qua, Báo Quân đội nhân dân nhận được đơn kêu cứu của ông Ngô Quang Sơn (tỉnh Nghệ An) về bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An giải quyết vụ việc giữa ông và ông Bùi Duy Năm có nhiều điểm bất thường. Đương sự cho rằng, chỉ với tờ giấy có con số hơn 5 triệu đồng về việc tính toán tài chính của công ty, ông Sơn đã bị người khác thêm 3 số “0” vào rồi kiện ra tòa, khiến ông phải gánh khoản nợ lên tới hơn 7 tỷ đồng…

4 phiên tòa chưa phân xử xong

Theo đơn trình bày của ông Ngô Quang Sơn: Công ty TNHH Hùng Sơn thành lập năm 2004, do ông làm giám đốc. Tháng 6-2008, ông Bùi Duy Năm xin góp vốn vào công ty, anh Bùi Duy Châu, con trai ông Năm làm kế toán kiêm thủ quỹ. Đến năm 2010, công ty giao người khác làm thủ quỹ, kế toán nên thống nhất tổng hợp các khoản thu, chi kể từ giữa năm 2008 đến ngày 24-2-2010 để xử lý.

Tháng 1-2013, ông Năm rút vốn khỏi công ty. Theo biên bản làm việc ký ngày 14-1-2013, hai bên đã bàn giao và thực hiện đầy đủ các điều khoản. Tuy nhiên, sau đó, ông Năm đã đưa ra tờ giấy viết tay có dòng chữ: “Sơn tính toán lãi Ngân hàng công thương Cầu Giát. Sơn nợ chú Năm 93.640.000. Sơn nợ chú Năm quà đáo hạn 4.965.000.000” và đòi nợ ông Sơn.

Tờ giấy trên, theo ông Sơn chỉ là tính toán phân chia tiền lãi vay ngân hàng. “Khi đổi khế vay phải có tiền làm chi phí các thủ tục xóa thế chấp, đăng ký lại thế chấp, công chứng… nên tôi có chi một khoản tiền là 4.965.000 đồng gọi là “quà đáo hạn”. Song thật không ngờ ông Năm lại thêm vào 3 số “0” và dựng chuyện tôi nợ 4.965.000.000 đồng”-ông Sơn trình bày.

Ngày 8-3-2013, ông Sơn đã gửi đơn tố cáo ông Năm giả mạo giấy tờ để vu khống lên Công an huyện Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, khi sự việc còn chưa giải quyết xong thì ngày 26-3-2013, ông Sơn nhận được thông báo của TAND huyện Quỳnh Lưu về việc ông Năm đã kiện ông Sơn ra tòa để đòi nợ.

Ngày 21-1-2015, TAND huyện Quỳnh Lưu đưa vụ việc ra xét xử, tuyên buộc ông Sơn phải trả ông Năm số tiền cả gốc và lãi lên tới hơn 6,6 tỷ đồng. Ông Sơn đã làm đơn kháng cáo và được Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Nghệ An ra quyết định kháng nghị bản án. Ngày 19-3-2015, TAND huyện Quỳnh Lưu tiếp tục đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó phải tạm hoãn phiên tòa để giám định lại.

 

Công văn của Phòng Giám định Kỹ thuật Hình sự trả lời Báo Quân đội nhân dân.
 

Một trang trong kết luận giám định của Phòng Giám định Kỹ thuật Hình sự nêu rõ các dấu hiệu bất thường.

Theo Quyết định kháng nghị số 190/QĐKNPT của Viện KSND tỉnh Nghệ An, ngày 20-7-2015, TAND tỉnh Nghệ An đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Hội đồng xét xử nhận định, tòa án cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót trong việc đánh giá và thu thập chứng cứ để giải quyết vụ án mà cấp phúc thẩm không khắc phục được. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm và giao hồ sơ cho TAND huyện Quỳnh Lưu giải quyết lại theo quy định của pháp luật.

Ngày 26-4-2016, TAND huyện Quỳnh Lưu xét xử sơ thẩm lần 2 nhưng vẫn tuyên: Buộc ông Sơn phải trả cho ông Năm số tiền vay cả gốc và lãi lên tới gần 7,2 tỷ đồng. Ông Sơn tiếp tục làm đơn kháng cáo. Ngày 9-5-2016, Viện KSND huyện Quỳnh Lưu đã ra Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm ngày 26-4-2016, đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án theo hướng sửa án sơ thẩm.

Nhiều dấu hiệu sai phạm tố tụng

Theo Luật sư Nguyễn Thành Điệp (Nghệ An), vụ việc có nhiều dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng về tố tụng như: Công an huyện Quỳnh Lưu đến nay vẫn chưa giải quyết đơn tố giác của ông Sơn gửi từ ngày 10-3-2013 là chưa đúng quy định tại Điều 103, Bộ luật Tố tụng hình sự. Về phía TAND huyện Quỳnh Lưu, việc nhận đơn khởi kiện và thụ lý vụ án không đúng quy định tại Điều 83, Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, các tài liệu được coi là chứng cứ nếu bản chính hoặc bản sao có công chứng chứng thực hợp pháp. Song ông Năm khi khởi kiện chỉ gửi kèm theo đơn khởi kiện duy nhất bản phô-tô-cóp-py giấy nợ viết tay. Bản phô-tô-cóp-py này cũng chỉ có con số, không ghi đơn vị tiền tệ, không có thời hạn phải trả nên chưa thể khẳng định có việc vay tiền không, khoản nợ đã đến hạn phải trả hay chưa. Chưa đủ điều kiện khởi kiện nhưng TAND huyện Quỳnh Lưu đã vội vàng thụ lý vụ án ngay trong vòng 1 ngày (đơn khởi kiện đề ngày 26-3-2013, tòa án thụ lý ngày 26-3-2013). Trong khi đó, trách nhiệm giải quyết đang thuộc thẩm quyền của Công an huyện Quỳnh Lưu. Lẽ ra phải đình chỉ vụ án và trả lại đơn khởi kiện theo khoản 1, Điều 192, Bộ luật Tố tụng dân sự. Ngoài ra, còn có việc người làm chứng về các giấy tờ khống, mạo dựng của ông Năm giao nộp các chứng cứ nhưng không được xem xét tại phiên tòa…

Dấu hiệu bất thường của một bản án

Được biết, trong quá trình thụ lý vụ án, TAND huyện Quỳnh Lưu đã trưng cầu 2 cơ quan giám định giấy nợ viết tay và giấy vay tiền bản đánh máy do ông Năm đưa ra. Theo Kết luận giám định số 21/GĐKTHS-P11 ngày 25-4-2014 của Phòng Giám định Kỹ thuật Hình sự, Bộ Quốc phòng: “Cụm số “000” cuối dãy số 4.965.000.000 dưới dòng chữ “Sơn nợ chú Năm quà đáo hạn” với các con số còn lại trên cùng tài liệu là không do một người viết ra”. Song theo Kết luận giám định số 1804/C54-P5 ngày 11-8-2014 của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) lại cho kết quả: Các chữ số trong số 4.965.000.000 là do cùng một người viết ra. Còn đối với giấy vay nợ bản đánh máy, tất cả các lần giám định đều kết luận không đủ cơ sở kết luận có bị chèn qua máy in hay không. Do đó, Bản án số 04/2016/DSDT nhận định: “2 tờ giấy ghi nợ và vay tiền do ông Năm khởi kiện không có nội dung giả tạo, không có kết luận in chèn như ông Sơn khai” là chưa thuyết phục, chưa đánh giá kỹ các kết quả giám định.

Về chi tiết này, ngày 6-7-2016, Phòng Giám định Kỹ thuật Hình sự, Bộ Quốc phòng có Công văn số 81/CV-P11 do Đại tá Nguyễn Công Quyền, Trưởng phòng ký trả lời Báo Quân đội nhân dân về việc cung cấp thông tin hồi âm đơn thư bạn đọc nêu rõ: Trong kết luận giám định, cụm từ “không đủ cơ sở kết luận...” không đồng nghĩa với cụm từ “không có cơ sở kết luận...”. Như vậy, nhận định của tòa án chưa đúng với tinh thần kết quả giám định trên.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân ngày 18-7-2016, ông Hoàng Văn Thắng, Phó chánh án TAND huyện Quỳnh Lưu là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm cho biết: Trong quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng pháp luật tố tụng. Việc tòa án chỉ căn cứ vào kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự vì cơ quan giám định này ở cấp “cao hơn”(!).

Tuy nhiên, quan điểm của Viện KSND tỉnh Nghệ An tại Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm do Phó viện trưởng Phạm Thị Luyên ký ngày 9-5-2016 đã nêu rõ: TAND huyện Quỳnh Lưu có các vi phạm: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn thiếu căn cứ; tòa chỉ căn cứ vào quyết định giám định để kết luận nội dung ghi trên 2 tờ giấy ông Năm khởi kiện đòi nợ ông Sơn là không đủ căn cứ; khi có 2 kết luận giám định kết quả khác nhau thì cần phải thành lập Hội đồng giám định để giám định lại lần thứ 2 theo Điều 30, Luật Giám định tư pháp.

Với những căn cứ trên, có thể thấy sự việc còn nhiều vấn đề cần được làm sáng tỏ. Đề nghị các cơ quan chức năng và TAND tỉnh Nghệ An xem xét lại vụ án một cách nghiêm túc, khách quan, đúng pháp luật; tránh oan sai, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân.

Tác giả bài viết: Nhóm phóng viên phòng bạn đọc - CTV