Giáo dục

Xã hội hóa bữa ăn bán trú cho học sinh miền núi

Lợi Trần

Trong năm học 2016 - 2017, hàng loạt trường tiểu học ở huyện miền núi Nghệ An đã ngừng tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh ở trường. Tuy nhiên, nhờ sự nhanh nhạy của lãnh đạo nhà trường, sự ủng hộ của phụ huynh, các tổ chức xã hội, nhiều trường học trên địa bàn miền núi Nghệ An vẫn duy trì được bữa ăn bán trú, tạo điều kiện để các em đến lớp đều đặn hàng ngày.

Trường Tiểu học Yên Na 1, xã Yên Na là một trong hai điểm trường còn lại ở huyện Tương Dương vẫn duy trì được bữa ăn bán trú cho học sinh. Ngôi trường có hơn 300 em học sinh chủ yếu là người Khơ Mú thuộc diện hộ nghèo. Thầy giáo Nguyễn Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để phụ huynh thay đổi nhận thức từ đang được “hỗ trợ” sang phải “đóng góp” là không dễ. Nhưng nếu tổ chức họp phụ huynh, phân tích cho phụ huynh kỹ càng những hiệu quả thiết thực thì phụ huynh sẽ đồng tình”.

Trường Tiểu học Yên Na hiện thực hiện theo hình thức bán trú dân nuôi. Hàng ngày phụ huynh sẽ chuẩn bị cơm cho học sinh đến lớp. Giáo viên trong trường tình nguyện ở lại làm thêm giờ để tổ chức cho học sinh ăn, ngủ. Lãnh đạo nhà trường cũng rất linh hoạt trong việc kêu gọi các tổ chức xã hội.

 

Bữa ăn bán trú của các em học sinh Trường Tiểu học Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An.

Nhờ vậy, bước vào năm học 2016 - 2017, nhà trường đã vận động được hơn 300 chăn ấm, đủ cho học sinh dùng trong mùa đông. Dãy nhà ăn xập xệ cũng được huyện hỗ trợ tu sửa, nâng cấp tạo điều kiện cho học sinh có nơi ăn uống riêng biệt, tránh tình trạng ba chung (chung phòng học, chung ăn, chung ngủ). Bán trú dân nuôi cũng là cách làm được nhiều trường mầm non ở Tương Dương áp dụng và đem lại kết quả khá tốt, đảm bảo cho 18/18 trường mầm non tổ chức được chương trình bán trú cho học sinh.



Thực tế cho thấy ở các huyện miền núi cao, do điều kiện đi lại khó khăn, bố mẹ đi làm rẫy nên không ít học sinh phải ở lại trưa ở trường. Bữa cơm trưa thường là do bố mẹ chuẩn bị từ sáng sớm hoặc có khi chỉ có một chiếc bánh mì đạm bạc. Ăn xong bữa trưa các em ở lại trong lớp học, nghỉ trưa chờ đến giờ học buổi chiều. C ách làm và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên của Trường Tiểu học Yên Na 1 cũng là một kinh nghiệm tốt cho các trường học khác trên địa bàn tỉnh học tập, từ đó các trường sớm có giải pháp để khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, rèn luyện ý thức, tinh thần tự giác của phụ huynh, học sinh.

Sau 5 năm chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (chương trình Seqap) hỗ trợ bữa ăn bán trú cho học sinh tại 18/33 trường tiểu học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn kết thúc, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn đã sớm chỉ đạo để các trường vận động xã hội hóa để tiếp tục duy trì bán trú cho học sinh.

“Đối với địa bàn vùng sâu vùng xa như huyện Kỳ Sơn, việc học sinh vùng cao được tổ chức ăn, ở bán trú tại trường có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chương trình này đã góp phần duy trì nền nếp dạy học 2 buổi/ngày và nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, nề nếp học sinh quy củ hơn, học sinh đi học chuyên cần hơn và các em mạnh dạn, tự tin, có tinh thần tập thể. Bởi vậy chúng tôi nêu cao trách nhiệm của phụ huynh và cộng đồng”, ông Phan Văn Thiết, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn khẳng định.

Tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh tiểu học là một trong những hoạt động phụ trợ, thiết yếu giúp cho việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học có hiệu quả. Tại Nghệ An, trước đây, việc triển khai chủ yếu mới được thực hiện ở các trường thuộc khu vực thành phố, thị xã, thị trấn.

Từ đầu những năm 2010 - 2011 đến nay, chương trình đã được nhân rộng đến gần 150 trường các huyện vùng sâu, vùng xa nhờ sự hỗ trợ của chương trình Seqap và chương trình trường học mới VNEN. Thực tế cũng cho thấy, do kinh phí của chương trình có giới hạn và chỉ khoảng 40% học sinh ở các trường được thụ hưởng. Tuy nhiên, do thấy hiệu quả của chương trình nên nhiều trường đã sử dụng linh hoạt, tiết kiệm cộng với kêu gọi sự hỗ trợ của phụ huynh, các tổ chức xã hội nên đã triển khai đến 100% học sinh trong trường và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh học sinh.

Hiện tại, khi chương trình đã kết thúc, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện miền núi chỉ đạo các trường vận động phụ huynh đóng góp theo hình thức xã hội hóa. Mục đích chính là phụ huynh đóng tiền đứng ra tổ chức nấu ăn cho học sinh. Hoặc việc tổ chức có thể được thực hiện theo hình thức bán trú dân nuôi, cơm hàng ngày của các cháu do phụ huynh chuẩn bị buổi sáng ở nhà.

 
Tác giả bài viết: Bích Huệ
Nguồn tin: Báo Tin tức