Thu tiền tỷ từ đào cảnh
Xã Đặng Cương, huyện An Dương được mệnh danh thủ phủ hoa và cây cảnh của TP Hải Phòng với những đào, quất cảnh, hoa Hải Đường đẹp hiếm nơi có được.
Đào cảnh ở Đặng Cương được ghép từ đào thuần chủng với những gốc đào cổ thụ, được chăm sóc kỹ càng bằng công nghệ hiện đại. Ảnh: Đinh Mười. |
Theo UBND xã Đặng Cương, toàn xã có hơn 90ha trồng hoa và cây cảnh, thu hút hơn 1.600 hộ tham gia. Nghề này góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế của địa phương, trung bình hàng năm thu về trên 50 tỷ đồng, riêng năm 2019 đạt gần 60 tỷ đồng.
Gia đình anh Phạm Văn Sơn, thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương, một trong những hộ trồng đào cảnh nhiều năm tại địa phương.
Những gốc đào như thế này vào dịp tết có thể cho thuê đến vài chục triệu đồng. Ảnh: Đinh Mười. |
“Sản phẩm của Đặng Cương chủ yếu bán tại vườn, số ít phải mang ra chợ. Khoảng 2 năm trở lại đây, một số thương lái ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, thậm chí tận TP.HCM cũng đánh cả container ra mua hoa, cây cảnh về bán. Sức tiêu thụ rất lớn, nguồn cung đang thiếu, khoảng 25 tết là hết hàng. Thu nhập từ đào so với các loại cây trồng khác cao hơn hẳn. Người dân cải thiện cuộc sống rất tốt. Mình có 4 sào, 220 gốc, thu nhập tương đối ổn định, mỗi năm khoảng 700 triệu, trừ chi phí còn lại khoảng 400 triệu”, anh Sơn chia sẻ.
Ngoài gia đình anh Sơn, qua tìm hiểu của PV, các hộ dân khác cũng có nguồn thu nhập gần tương tự từ trồng đào và cây cảnh, giá trị canh tác trên 1 ha thấp nhất cũng đạt trên 500 triệu đồng. Những ngôi nhà khang trang tại xã Đặng Cương về cơ bản đều liên quan đến đào và cây cảnh.
Làm chủ công nghệ cho đào ra hoa
Theo người dân địa phương, ngoài thổ nhưỡng trời ban thì kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc đã khiến cho đào và cây cảnh ở Đặng Cương đặc biệt hơn nhiều nơi khác, hoa tươi tắn, nở theo ý muốn, được nhiều người ưa chuộng.
Anh Ngọc, 1 hộ dân trồng đào ở Đặng Cương chia sẻ về công nghệ thông minh áp dụng với cây đào cảnh. Ảnh: Đinh Mười. |
Nghề trồng đào cảnh ở xã Đặng Cương bắt đầu từ năm 1990, sau khi một số hộ đi học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Tân (Hà Nội). Tuy nhiên, bằng sự sáng tạo, cộng với áp dụng công nghệ mới, người dân đã biết cách biến những gốc đào chỉ vài triệu thành vài chục, thậm chí là cả trăm triệu đồng.
Hàng năm, khoảng tháng 10, người dân xã Đặng Cương thường lên các tỉnh Tây Bắc mua những gốc đào cổ thụ trên đó về làm phôi, cấy ghép với đào thuần chủng, có thể đào phai hoặc đào bích… Gốc đào được chọn kỹ càng, quá trình chăm sóc đòi hỏi nhiều kỹ thuật như: tính toán thời điểm cắt lượng dăm cuối, là loạt dăm để lấy hoa, phải hãm làm sao cho dăm đẹp. Tùy theo loại, có loại 35 ngày, có loại 60 ngày, tuy nhiên, người trồng đào phải sử dụng kỹ thuật để vừa có hoa nở sớm trước Tết nhưng đến khi ra Giêng vẫn phải còn hoa. Do đó, kỹ thuật chăm sóc phải cao, tỷ mỉ, tính toán kĩ để làm sao có hoa nở nhiều loạt đáp ứng được yêu cầu người chơi đào.
“Nói chung về cây đào rất dễ mà cũng rất khó, nếu không cẩn thận thì hoa nở sớm, gốc đào chết… thì mất trắng. Do đó, đào sau khi cấy ghép, được chúng tôi chăm sóc kỹ càng bằng công nghệ hiện đại. Hoa đào ở đây thường đẹp hơn, cây được trồng kỹ thuật cao, nhất là dăm, nụ, cây thế… Có gốc đào chúng tôi cho thuê lên đến vài chục triệu”, anh Sơn cho hay.
Hướng đi bền vững cho nông nghiệp ven đô
Theo UBND xã Đặng Cương, trồng hoa và cây cảnh làm chủ kỹ thuật, công nghệ là hướng đi bền vững, hiệu quả. Ngoài việc tạo cảnh quan cho môi trường sinh thái, thì đây còn là nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân ngoại thành.
Những ngôi nhà khang trang tại Đặng Cương cơ bản đều có liên quan đến trồng hoa và cây cảnh. Ảnh: Đinh Mười. |
“Xã Đặng Cương đã hình thành sớm và tập trung quy hoạch các vùng sản xuất, phát triển làng nghề. Xã quy hoạch được 12 vùng sản xuất tập trung, vùng bé nhất từ 3-5ha, vùng lớn nhất là 20ha tại 8 thôn”, ông Trương Văn Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Cương, nói.
Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã thực hiện chủ trương làm đường ra đồng, làm đường dân sinh, tạo kết nối giao thông rất tốt, có những đoạn đường bà con làm rộng đến 4-5m để xe tải có thể vào tận nơi vận chuyển hoa, cây cảnh.
Chia sẻ với NNVN, ông Thiết bộc bạch: Nghề trồng hoa, cây cảnh có thu nhập cao nên đã thu hút mạnh mẽ nguồn lao động nhàn rỗi, tận dụng thế mạnh đó để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đây là định hướng và xu thế phát triển không chỉ cho Đặng Cương mà còn là mô hình chung cho nhiều xã có điều kiện tương tự.
"Thế mạnh, mũi nhọn của huyện An Dương là hoa cây cảnh, đã có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý. Toàn huyện hiện nay có 4 làng nghề trồng hoa, cây cảnh bằng công nghệ hiện đại, kỹ thuật cao, giá trị kinh tế đạt được trên đơn vị canh cao hơn gấp nhiều lần so với các đối tượng cây trồng khác. Như ở Đồng Dụ thu nhập ít nhất là 500 triệu/ha trở lên. Về quy hoạch, huyện đã có sẵn rồi, nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, cụ thể là vùng sản xuất tập trung hoa cây cảnh” - ông Bùi Xuân Khải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương. |
Tác giả: Đinh Mười - Viết Cường
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam