Nhân ái

Xót lòng nhìn vợ chồng nghèo kiệt quệ nuôi 2 con bị bại bão

Lợi Trần

Số phận nghiệt ngã bắt 2 đứa con của vợ chồng anh Phương mắc căn bệnh bại não, 10 năm qua anh chị chưa một ngày ngủ ngon giấc. Sống trong cái nghèo, 2 con bệnh tật khiến họ ngày càng kiệt quệ không biết ngày mai sẽ ra sao.

Căn nhà cấp 4 nơi vợ chồng anh Trần Văn Phương (SN ) và chị Nguyễn Hồng Nhung sống chung với bố mẹ nằm giữa thôn Chi Phong, xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) đìu hiu, tuềnh toàng, bên trong trống huơ trống hoác chẳng có thứ gì đáng giá.

Sống trong căn nhà xập xệ này là 6 phận người hẩm hiu, hơn 10 năm qua họ chưa biết đến tiếng cười. Bởi ngày qua ngày họ phải đối mặt với những lo toan bộn bề về thể xác, những khổ đau, phiền muộn về tâm hồn. 2 cặp vợ chồng 1 già, 1 trẻ phải vật lộn với 2 đứa trẻ, đứa lên 10, đứa lên 11 số phận nghiệt ngã bắt chúng mắc phải căn bệnh bại não vô phương cứu chữa.

Tôi đến đúng lúc vợ chồng anh Phương đang cho 2 con là cháu Trần Trung Hiếu (SN 2006) và Trần Huy Hùng (SN 2007) uống nước. Chứng kiến cảnh bố mẹ phải gồng hết mình ghì chặt người, tay chân và đầu con cho con uống nước khiến chúng tôi không khỏi xót xa. “Không làm thế thì các cháu sẽ chẳng được giọt nước nào vào miệng chú à! Uống đã thế ăn còn vất vả hơn”, anh Phương nói rồi rót từng tý nước vào miệng cháu Hùng.

Người đàn ông gần 40 tuổi vừa dứt lời, tay chưa lấy chén nước ra khỏi miệng con thì cậu con trai 10 tuổi đã gùng gằng, co giật, miệng hét lên khiến nước trào ra, bắn tung tóe khắp người bố. Ngồi bên, chị Nhung cũng chịu cảnh tương tự khi cũng đang gồng mình cho cháu Hiếu uống nước.
 
Vợ chồng anh Phương chị Nhung kiệt quệ vì 10 năm qua nuôi 2 người con bị bệnh bại não.
 
Cảnh này đã quá quen với vợ chồng anh Phương, bởi hơn 10 năm qua ngày nào họ cũng phải vật lộn với 2 đứa con bại não của mình. Họ chưa một ngày ngủ ngon giấc, ban ngày thì lăn ra làm thuê, cuốc mướn kiếm tiền nuôi và thuốc thang chữa bệnh cho con. Đêm đến, về nhà muốn ngủ ngon giấc thì hai đứa con lại hành. Chuyện thức trắng đêm bế con với vợ chồng anh Phương như cơm bữa thường ngày.

Chị Nhung nghẹn nào: “Có lúc vợ chồng em như quỵ ngã, không còn sức để mà sống được nữa. Cuộc sống nghèo khổ đã đành, ông trời lại bắt chúng em phải gồng mình nuôi 2 con bệnh tật. Các cháu không thể ngồi dậy được chứ nói gì đứng lên đi. Ông trời sao nỡ bắt 2 con tôi cùng chung số phận, hơn 10 tuổi rồi mà chưa một lần cất lên tiếng gọi mẹ”.

Gạt đi những giọt nước mắt, chị Nhung nhìn 2 đứa con và thầm mong ước ông trời đừng bất công với mình nữa. Nhưng ai cũng hiểu được, đó chỉ là ước mơ với vợ chồng chị, chưa biết bao giờ họ mới có được tiếng cười mãn nguyện của những người làm cha làm mẹ suốt thời gian qua.

Anh Phương là con độc đinh trong nhà. Năm 2004, anh cưới chị Nhung người cùng xã về làm vợ. Gia cảnh nghèo nên hai vợ chồng lam lũ làm ăn, mong muốn sau này bớt đi những khổ cực.

Ngờ đâu, đứa con đầu là cháu Hiếu từ lúc sinh ra cho đến hơn 4 tháng không một ngày ngớt nước mắt. Vợ chồng anh cùng bố mẹ già thay nhau chăm bẵm, đến lúc đưa đi bệnh viện mới cháu mắc căn bệnh bại não bẩm sinh. Bao nhiêu hy vọng về đứa con nối dõi tông đường tan biến trong giây lát. Mọi người chỉ biết an ủi nhau gắng nuôi con cháu cho trọn kiếp người.
 
Cháu Hùng và Hiếu đã 10 tuổi nhưng không thể ngồi dậy, chân tay teo tóp, đầu bị lệch, hở miệng...
 
Một năm sau đó, cháu Hùng chào đời. Ngược lại với anh trai, 4 tháng đầu Hùng ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn. Nhưng từ tháng thứ 5 tay chân bắt đầu nhũn ra như bún. Cũng từ đó, Hùng khóc lóc, quằn quại khiến vợ chồng anh Phương cùng bố mẹ già không một ngày ngủ yên. Đưa con đi khám, biết Hùng cũng mắc bệnh bại não như anh khiến cả gia đình như sét đánh mang tai.

Bố mẹ anh Phương buồn chán tột độ, có lúc không vực dạy được. Còn vợ chồng trẻ nuốt nước mắt vào trong để nuôi con mà không biết cuộc sống gia đình ngày mai sẽ ra sao?. “Ôm hai đứa con vợ chồng tôi chỉ biết khóc, con khóc, bố mẹ khóc, anh em họ hàng đến thấy cũng không cầm được nước mắt. Có ai mà số phận cực khổ như vợ chồng tôi không”.

Cứ thế đôi vợ chồng nghèo gồng gánh nuôi con. Hơn 10 năm trôi đi với biết bao đắng cay tủi hờn họ phải chịu hết. Hàng ngày, anh Phương đi làm thuê cuốc mướn kiếm tiền nuôi gia đình. Lúc hai con bớt đau đớn, chị Nhưng để ở nhà cho ông bà trông coi rồi cùng chồng đi làm thuê. Dù cách xa cả chục cây số nhưng cứ đến buổi chị lại phải về để cho con ăn, con uống.

“Làm thuê phụ hồ công ngày cũng chẳng được là bao chú à! Không làm thì biết lấy gì mà sống. 6 miệng ăn cả gia đình trông chờ vào 4 xào ruộng sao đủ được. Chưa kể mỗi lúc hai con đi viện nữa”, anh Phương buồn rầu.

Vì căn bệnh bại não nên cả cháu Hùng và Hiếu không thể ngồi dậy, cũng chẳng nói chẳng rằng, chân tay teo tóp, đầu bị lệch, miệng bị hở hàm… Mỗi lần ăn uống là một cực hình không chỉ với 2 cháu mà với cả những người thân. Khổ nhất là khi đi vệ sinh, 2 cháu không thể tự chủ.

Mới đây, các bác sĩ còn phát hiện cả hai cháu đều bị mắc bệnh xốp tủy thận vô phương cứu chữa. Nhìn con đau đớn, chị Nhung như đứt từng khúc ruột. Anh Phương nghẹn ngào: “Cũng là phận con người nhưng khổ thân các con tôi quá. Nó sống đời thực vật như vậy, vợ chồng tôi cũng chỉ còn biết gắng sức nuôi được ngày nào hay ngày ấy. Số phận bắt mình phải thế, nhà nghèo biết làm sao khác được”.
 
Tháng ngày gian nan nuôi con khiến chị Nhung giờ đây mang nhiều bệnh trong người, nhưng nhà nghèo đành tặc lưỡi để quên đi đau đớn về thể xác
 
Kiệt quệ nuôi con, mới đây chị Nhung đau ốm cũng phải phẫu thuật để cắt bỏ u nang buồn trứng nên sức khỏe yếu, trở nên phờ phạc hơn. Dù bệnh tật chị vẫn phải vực dậy, gồng mình cùng chồng và bố mẹ già gần 70 tuổi để chăm hai con. “Gia cảnh cô chú ấy thế này đến bao giờ mới thoát được nghèo, mới hết được khổ đau”, một người hàng xóm nói.

Chia tay vợ chồng anh Phương, tôi cứ nhớ mãi lời anh nói: “Có hôm đưa 2 con sang bà ngoại chơi, khi qua trường học các cháu đòi vào để đi học như các bạn. Vợ chồng tôi phải đưa vào các cháu mới chịu. Khi về, hai con cứ ngoái nhìn trường, đòi đi học mà vợ chồng tôi không sao cầm được lòng”.
 
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Nguyễn Hồng Nhung, thôn Chi Phong, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

ĐT: 01628529608
 

Tác giả bài viết: Thái Bá

Nguồn tin: