Tin địa phương

Xuân về trên đảo Long Châu

Admin

Cách đảo Cát Bà khoảng hơn 1 tiếng chạy tàu, giữa mênh mông sóng nước, biển trời, đảo Long Châu ngạo nghễ vươn lên sừng sừng với màu xanh bất tận của những mỏm, vách đá tai bèo cùng những bụi cây dại.

Cách đảo Cát Bà khoảng hơn 1 tiếng chạy tàu, giữa mênh mông sóng nước, biển trời, đảo Long Châu ngạo nghễ vươn lên sừng sừng với màu xanh bất tận của những mỏm, vách đá tai bèo cùng những bụi cây dại. Đến thăm đảo đúng dịp mùa Xuân Mậu Tuất 2018 gõ cửa, càng khâm phục ý chí và nghị lực của những con người ngày đêm canh gác để “mắt thần” Long Châu luôn toả sáng, giữ bình yên vùng trời, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc… 

“Mắt thần Long Châu” chưa đêm nào tắt trong suốt hơn 124 năm qua.

Với diện tích hơn 1,2 km2, Long Châu là hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Long Châu. Trên đảo luôn thường trực 10 người đàn ông, trong đó 4 người công tác tại Đài quan sát biên phòng Long Châu và 6 người làm việc ở Trạm quản lý đèn biển Long Châu (Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ). Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Quản lý đèn biển Long Châu cho biết, hải đăng Long Châu được người Pháp xây dựng từ năm 1894 dùng để soi và dẫn đường tàu thuyền qua lại trong khu vực. Hải đăng cao gần 110 mét so với mực nước biển và có thể chiếu sáng tới 27 hải lý (1 hải lý bằng hơn 1,8 km). Những đêm trời trong, từ khoảng cách 50 km cũng có thể nhìn thấy ánh sáng phát ra từ “mắt thần Long Châu”. 

Đến nay, 124 năm trôi qua, chưa đêm nào ngọn hải đăng nơi này tắt dù nhiều lần đối mặt với sóng gió bão bùng cũng như bom đạn của giặc tàn phá. Ngay cạnh ngọn hải đăng là ngôi mộ của liệt sĩ Cao Quang Viên, cán bộ của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc được cử ra điều hành trong những năm đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Năm 1967, khi ngọn đèn bị hỏng, anh xung phong trèo lên đỉnh tháp sửa chữa. Khi đèn sáng trở lại cũng là lúc anh ngã xuống vì bom đạn của giặc. Lúc đó, liệt sĩ Cao Quang Viên chỉ mới ở độ tuổi đôi mươi. 

Hình ảnh xương rồng mọc trên đá tai mèo đem lại nhiều cảm hứng cho khách đến thăm đảo.

 

Mộ liệt sĩ Cao Quang Viên trước hải đăng Long Châu.

 

Vườn rau xanh của Trạm quản lý đèn biển Long Châu cheo leo trên vách đá tai mèo.

 

Những luống rau cải tươi tốt do cán bộ, chiến sĩ Đài quan sát biên phòng Long Châu tăng gia.

 

Ươm mầm sống trên đá tai mèo.

 

Lãnh đạo huyện Cát Hải trồng cây trên đảo dịp Tết đến, Xuân về.

 

Những vách đá tai mèo nhọn hoắt, một trong những “đặc sản” ở Long Châu.

 

Đưa mùa xuân ra đảo.

Dù điều kiện khó khăn thiếu thốn, nhất là nước ngọt và đất trồng, nhưng các cán bộ, chiến sĩ Đài quan sát biên phòng Long Châu và cán bộ, công nhân viên Trạm Quản lý đèn biển Long Châu vẫn tăng gia vườn rau xanh phục vụ cuộc sống hằng ngày. Họ cũng miệt mài trồng cây góp phần phủ xanh đảo. Do khí hậu khắc nghiệt của đảo, việc trồng cây hết sức vất vả. Ban đầu phải dùng đất đưa từ đất liền ra chứa trong bao ni-lông hay hộp xốp che chắn kỹ càng, thường xuyên tưới nước để cây bén rễ, đâm chồi. Đến Long Châu ngày nay, ngoài cỏ dại, xương rồng, có nhiều cây bàng, kim giao vươn lên từ vách đá tai mèo nhọn hoắt minh chứng lòng quả cảm cũng như nghị lực kiên cường của những con người quyết tâm bám trụ nơi đảo xa bảo đảm an toàn những chuyến tàu cũng như giữ yên vùng trời, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.