14 cựu cán bộ bị cáo buộc 'xẻ thịt' đất công ở Đồng Tâm suốt 19 năm

Admin
Ba đời chủ tịch xã cùng một cán bộ địa chính thâm niên 20 năm... bị cáo buộc đã nhiều lần \"phù phép\" gian lận đất đai.

Sáng nay, TAND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) mở phiên sơ thẩm xét xử 14 người liên quan việc cấp đất trái quy định tại xã Đồng Tâm. Phiên tòa do ông Vũ Đức Hiệp (Phó chánh án) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài trong hai ngày.

Công tác kiểm tra an ninh kéo dài gần một tiếng. Hàng chục cảnh sát túc trực ngoài cổng tòa, kiểm tra chặt chẽ giấy tờ của người ra vào. Quanh bán kính một cây số, nhiều cảnh sát giao thông tham gia phân luồng, tránh ùn tắc.

 Các bị cáo nghe chủ tọa công bố bắt đầu phiên xử. Ảnh: Phạm Dự

Ngoài 14 bị cáo, một số người là đại diện xã Đồng Tâm, trong phòng xử có hơn chục người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Người dân hầu như không có mặt tại đây.

Ngoài cổng tòa án, gần 50 người dân địa phương đứng nghe qua loa. "Chúng tôi đến nghe để nắm bắt tình hình đất đai ở địa phương. Mong muốn pháp luật xét xử đúng người, đúng tội", một người dân thôn Hoành (xã Đồng Tâm) nói.

Phía trong phòng xử, ngay những phút đầu của phần thủ tục, một số luật sư đã đề nghị hoãn phiên tòa, cần áp giải những người "được nhóm quan xã bán đất, cấp đất trái thẩm quyền" không đến tòa theo triệu tập. Theo luật sư, thiếu họ sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xét xử.

Đại điện VKS không đồng ý, nói tất cả đều đã có lời khai tại cơ quan điều tra nên không ảnh hưởng tới phiên xử. Hơn nữa, một số người có đơn xin vắng mặt.

HĐXX nghỉ nghị hội ý trước diễn biến mới này. Sau gần 10 phút, HĐXX ra làm việc, thông báo tiếp tục phiên xử do những người trên đã có lời khai đúng theo luật tại cơ quan điều tra.

 Nhiều người dân nghe diễn biến phiên xử qua loa truyền ra cổng tòa án. Ảnh: Phạm Dự

Theo cáo buộc của nhà chức trách, trước năm 1995, UBND xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) quy hoạch khu vực Rộc Già, thôn Đồng Mít xây dựng chợ đầu mối nông sản, ra thông báo mỗi hộ kinh doanh được mua một suất đất với giá 200.000 đồng/60m2.

Đến năm 2002 khi UBND xã đo đạc, điều chỉnh bản đồ đất thổ cư, Bí thư Đảng ủy Nguyễn Tiến Triển cùng Nguyễn Văn Sơn (nguyên chủ tịch xã năm 2002-2010), Nguyễn Xuân Trường (cán bộ địa chính xã năm 1995-2015) tự chia cho nhau mỗi người một suất đất mặt đường với chiều ngang 5m, dài 48m.

Một năm sau, ông Trường "phù phép" để người thân của các "quan xã" đứng tên ba mảnh đất tự chia này. Trong năm 2011-2012, hai trong ba suất đất được hoàn chỉnh hồ sơ, cấp sổ đỏ.

Ỉm 10 suất đất giãn dân đã được tỉnh phê duyệt

Cuối năm 1996, UBND tỉnh Hà Tây cũ ra quyết định số 868 thu hồi diện tích 5.400 m2 đất do xã Đồng Tâm quản lý, giao cho 49 hộ dân làm nhà ở theo diện cấp đất giãn dân.

Chủ tịch xã thời đó là ông Nguyễn Văn Bột và cán bộ địa chính Trường đã tổ chức giao đất cho 39/49 hộ dân với diện tích gần 4.100 m2. Còn lại khoảng 1.300 m2, UBND xã Đồng Tâm không giao nốt cho 10 hộ trong danh sách đã trình tỉnh phê duyệt.

Khi lên làm chủ tịch thay ông Bột, ông Sơn bị cáo buộc đã cùng ông Triển, Trường ra chủ trương chuyển 10 suất đất này cho 10 cán bộ chủ chốt của xã có nhiều năm công tác. Mỗi nhà 130m2 đất, thu tiền theo giá 100.000 đồng/m2. Trong số này có gia đình ông Bột, Sơn, Trường, Triển cùng Lê Đình Thuần (chủ tịch xã sau này). Tuy nhiên, các "quan xã" đều để người thân đứng tên.

Theo cơ quan điều tra, biết việc chia chác này là sai, đến năm 2008, khi đo đạc lại diện tích đất toàn xã, ông Trường cùng các đồng phạm tính kế hợp thức việc làm gian dối này. Trường đề nghị với chủ tịch Sơn cho làm biên bản về việc đảng ủy, HĐND, UBND xã thống nhất chia đất cho 10 cán bộ xã; ghi lùi thời gian đề ngày 10/12/2002.

 Sáng nay chỉ có 3 luật sư đến tòa. Hầu hết các bị cáo không mời người bào chữa. Ảnh: Phạm Dự

Cấp đất trước báo cáo sau

Sau lần cấp đất giãn dân nêu trên, một số "quan xã" Đồng Tâm tiếp tục tổ chức đấu thầu đất trái phép, giao đất không đúng đối tượng, sau đó tìm cách hợp thức hóa. Cụ thể, cuối năm 2003, họ lập tờ trình xin cấp đất giãn dân ở 4 khu vực: khu Ao Cáu, Bãi Ao, Rặng Chúc, Đầu Bút.

Lấy lý do thiếu kinh phí để xây dựng một số công trình phúc lợi tại địa phương, xã thống nhất để lại một số diện tích ở vị trí thuận lợi (giáp đường giao thông) cho các hộ dân đấu giá đất với mức 500.000-650.000 đồng/m2. Những khu vực còn lại, xã tổ chức xét cấp đất giãn dân cho các hộ có đủ tiêu chuẩn, thu 7-13 triệu/100m2.

Nhà chức trách phát hiện, quá trình đấu thầu, xét cấp giãn dân, đổi đất... có 63 hộ không đủ điều kiện vẫn được nhận đất với tổng diện tích hơn 6.000 m2. Cuối năm 2013, để hợp thức hóa việc này, chính quyền xã mới làm hồ sơ trình lên huyện để ra các quyết định giao đất.

Tổng số tiền thu được của 63 hộ sau đấu thầu là hơn 2 tỷ đồng, xã nộp vào kho bạc nhà nước, xây dựng trường, đường và hoạt động thường xuyên của UBND xã.

Cán bộ huyện 'nhắm mắt' cấp sổ đỏ

Nhà chức trách cáo buộc, trong các sai phạm trên, nhiều cán bộ huyện Mỹ Đức cũng liên quan trách nhiệm. Từ đây, hàng loạt hộ gia đình dù không đủ điều kiện vẫn được cấp sổ đỏ.

Năm 2011-2013, 12 hộ dân được chủ tịch xã Lê Đình Thuần "nhắm mắt" ký xác nhận hồ sơ đề nghị huyện cấp sổ đỏ cho diện tích đất có nguồn gốc từ việc mua bán trái thẩm quyền, giao sai đối tượng, lấn chiếm... Người hoàn tất hồ sơ là cán bộ địa chính Trường.

Theo cơ quan điều tra, dù biết hồ sơ của 12 hộ nói trên không đủ điều kiện về nguồn gốc đất, hợp đồng chuyển nhượng cũng như thời gian sử dụng, chưa đầy đủ ý kiến khu dân cư..., các cán bộ huyện vẫn xác nhận hồ sơ đủ điều kiện để cấp sổ đỏ. Ngoài ra, cán bộ huyện còn "nhắm mắt" cho qua nhiều bộ hồ sơ xin cấp sổ đỏ khác tại Đồng Tâm.

Cụ thể, ông Đinh Văn Dũng ký xác nhận 8 hồ sơ với tổng diện tích hơn 1.200m2, bị cáo buộc gây thiệt hại gần 660 triệu đồng. Trần Trung Tấn ký xác nhận 9 hồ sơ, gây thiệt hại hơn một tỷ đồng. Bạch Văn Đông ký xác nhận 4 hồ sơ, gây thiệt hại gần 600 triệu đồng.

Trưởng phòng tài nguyên Phạm Hữu Sách không kiểm tra, đôn đốc, không thẩm định lại hồ sơ vẫn ký tờ trình để UBND huyện ra quyết định cấp sổ đỏ cho 12 hộ dân, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ đồng.