Kinh tế

19 'ông lớn' DN Nhà nước về các bộ: Hàng triệu tỷ đồng được quản lý thế nào?

Chính phủ đã chính thức quyết định chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sang các bộ, cơ quan chức năng.

Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tiếp nhận quản lý 18 "ông lớn" DN Nhà nước hiện đang do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đảm nhận. Riêng đối với Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, quyền đại diện chủ sở hữu sẽ được chuyển giao về Bộ Công an.

Với quyết định này, Chính phủ giao Bộ Nội vụ trình Chính phủ Nghị quyết giải thể Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự được chuyển giao về Bộ Tài chính.

Thêm vào đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương hoàn thành việc xây dựng tiêu chí, quy chế đánh giá, thực hiện rà soát và sàng lọc công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Mục tiêu là giảm tối thiểu 20% số công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nhằm thực hiện tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định số 178.

Đồng thời, Chính phủ thống nhất phương án bàn giao tài sản, tài chính, ngân sách Nhà nước trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cùng với đó, các bộ, ngành sẽ thực hiện chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án đầu tư công theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với Bộ Công an để đăng ký con dấu cho các cơ quan, tổ chức có sự thay đổi về tên gọi, bảo đảm các cơ quan có thể hoạt động ngay sau khi Trung ương và Quốc hội thông qua các quy định. Các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng được yêu cầu tiếp thu và giải trình các ý kiến thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành trước ngày 3/2/2025.

Đối với Bộ Công an, trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị, Bộ này được yêu cầu hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, đồng thời hướng dẫn công an cấp tỉnh triển khai Đề án sắp xếp công an cấp huyện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Thanh tra Chính phủ cũng cần hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương.

Chính phủ cũng đề nghị Thủ tướng xem xét và quyết định giải thể Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia sau khi chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và nhân sự về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ được giao chủ trì lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và khẩn trương tổng hợp các ý kiến này để các bộ, ngành tiếp thu, giải trình, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành.

Đặc biệt, đối với Bộ Công Thương, Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chuyển giao chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về thị trường cho các địa phương, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Chính phủ.

Chính phủ cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tại cấp tỉnh và cấp huyện, đảm bảo hoạt động đồng bộ với việc hoàn thành sắp xếp và tinh gọn bộ máy của Chính phủ. Các quyết định liên quan đến tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ được công bố trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến 20/2/2025, ngay sau khi bế mạc Kỳ họp Quốc hội khóa XV. Các địa phương cần đảm bảo không có khoảng trống pháp lý và bảo đảm hiệu quả, liên tục trong hoạt động của bộ máy hành chính.

19 tập đoàn từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ được chuyển về Bộ Tài chính, Bộ Công an. Nguồn: Dân việt

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu của công ty mẹ thuộc 19 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước ước đạt 971.593 tỷ đồng, đạt 83% kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Khối tập đoàn và tổng công ty này đã ghi nhận lãi trước thuế đạt khoảng 50.360 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch năm, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động.

Về tình hình tài chính hợp nhất (bao gồm cả công ty mẹ và công ty con), CMSC cho biết tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty này đạt hơn 1,53 triệu tỷ đồng, hoàn thành 90% kế hoạch năm và tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế toàn khối này ước đạt 85.886 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm, thể hiện hiệu quả hoạt động kinh doanh tích cực.

Đặc biệt, CMSC đã cung cấp số liệu chi tiết về kết quả hoạt động theo các lĩnh vực chủ chốt. Trong ngành điện, sản lượng điện sản xuất ước đạt 232,9 tỷ kWh, hoàn thành 75% kế hoạch năm và tăng 11% so với năm 2023. Điện thương phẩm lũy kế trong 9 tháng đạt 209 tỷ kWh, đạt 80% kế hoạch năm, cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điện truyền tải ước đạt 186,56 tỷ kWh, tương đương 80% kế hoạch năm và tăng 11% so với năm 2023. Về lĩnh vực dầu khí, sản lượng dầu thô lũy kế trong 9 tháng 2024 đạt 7,45 triệu tấn, đạt 90% kế hoạch năm và tương đương 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khai thác khí đạt 4,8 tỷ m3, đạt 94% kế hoạch năm nhưng giảm 17% so với năm 2023.

Trong lĩnh vực xăng dầu, sản lượng của PVN (không bao gồm Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn) ước đạt 4,9 triệu tấn, hoàn thành 84% kế hoạch năm và đạt 90% so với cùng kỳ. Petrolimex, một trong các doanh nghiệp lớn trong ngành, ước đạt hơn 11,5 triệu m3 xăng dầu, hoàn thành 88% kế hoạch năm và đạt 105% so với năm trước.

Những con số trên cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng tích cực của các doanh nghiệp Nhà nước, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều thách thức.

Tác giả: Tiểu An

Nguồn tin: vietnamfinance.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP