Ngày 27-5, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đỗ Văn Định, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), chủ đầu tư dự án trên, cho biết sẽ yêu cầu 2 trong 4 nhà thầu thi công dự án đưa nhân sự, máy móc quay lại để tiếp tục thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, kiểm tra thực địa dự án. |
Trước đó, tháng 3-2019, HĐND TP Hải Phòng phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường nối tỉnh lộ 354 (từ huyện An Lão) qua khu công nghiệp Kiến Thụy đến đường bộ ven biển (đoạn qua địa bàn xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ, TP Hải Phòng). UBND huyện Kiến Thụy làm chủ đầu tư dự án.
Dự án xây mới tuyến đường có chiều dài 14,78 km, tiêu chuẩn đường đồng bằng cấp 3 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 924 tỉ đồng, hoàn thành trước 31-12-2022.
Tuy nhiên, đến nay, đã quá thời hạn gần 5 tháng, dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), cả 4 gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ. Ngày 22-5, UBND TP Hải Phòng phải ra quyết định gia hạn thời gian thực hiện dự án đến năm 2024.
Ngày 24-5, tại buổi kiểm tra thực địa, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng xác định do UBND các huyện An Lão, Kiến Thụy chậm trễ trong GPMB, chậm giao mặt bằng cho nhà thầu, dẫn đến chậm tiến độ thi công. Ông Tùng đã phê bình Chủ tịch UBND hai huyện, yêu cầu khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến việc GPMB.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Chủ đầu tư thu hồi phần vốn đã cấp cho 2 nhà thầu xin dừng thi công (là Công ty cổ phần thương mại và xây dựng Phương Đông và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hải Nam), chuẩn bị hồ sơ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc nhà thầu không thực hiện hợp đồng đã ký kết.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy, báo cáo tiến độ dự án. |
Theo Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Kiến Thụy Đỗ Văn Định, việc chậm tiến độ là do dự án phải GPMB 434.620 m2 đất bao gồm cả đất nông nghiệp và đất ở tại 2 huyện An Lão, Kiến Thuỵ. Trong đó, đối với diện tích đất nông nghiệp, do phải chờ phê duyệt chuyển mục đích đất trồng lúa sang đất khác từ cơ quan có thẩm quyền, nên việc đền bù GPMB bị chậm.
Cuối năm 2022, cận ngày phải hoàn thành dự án theo kế hoạch, chủ đầu tư mới bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ngay vừa khi đưa máy móc vào thi công được thời gian ngắn, 2 nhà thầu là Công ty Phương Đông và Công ty Hải Nam đã đề nghị không thi công theo hợp đồng đã ký với lý do giá nguyên vật liệu tăng cao, nếu làm sẽ bị lỗ.
Ông Định cũng cho hay đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành GPMB, cả 4 gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ.
Cụ thể, gói thầu lớn nhất, xây lắp 6,28 km đường do liên danh Công ty cổ phần tập đoàn Việt Úc trúng thầu, thi công mới hoàn thành được 52% kế hoạch. Gói thầu xây lắp 5,4 km do Công ty TNHH xây dựng Hoàng Lộc mới hoàn thành được hơn 31% kế hoạch thì tạm dừng thi công (công ty Hoàng Lộc có văn bản đề nghị chờ điều chỉnh đơn giá vật liệu mới rồi mới tiếp tục thi công).
Đặc biệt, 2 gói thầu xây lắp 2 đoạn đường có tổng chiều dài 3,1 km do 2 nhà thầu là Công ty Phương Đông và Công ty Hải Nam trúng thầu xây dựng, mỗi nhà thầu mới thực hiện việc bóc lớp đất hữu cơ từ 200 - 300 m thì xin không thi công, đề nghị điều chuyển khối lượng thi công cho các nhà thầu khác.
Ông Định cho biết Công ty Phương Đông và Công ty Hải Nam muốn chuyển khối lượng công việc tương ứng phần vốn đã được ứng trước (mỗi công ty 7 tỉ đồng) cho 5 nhà thầu khác thực hiện. Đối với phần việc còn lại sẽ được chuyển giao cho Công ty TNHH xây dựng Hoàng Lộc tiếp tục thi công.
Tác giả: Trọng Đức
Nguồn tin: Báo Người Lao động