Nguồn thu từ phí cảng biển đóng góp quan trọng vào kết quả thu nội địa của Hải Phòng năm 2018 với chỉ tiêu thu cả năm 1.800 tỷ đồng. Ảnh: T.Bình. |
Trong 23 doanh nghiệp, có 5 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 18 doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất và là đơn vị duy nhât có số thuế nộp “nghìn tỷ” tại Hải Phòng trong năm 2018 là một doanh nghiệp trong nước- Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST với tổng số thuế hơn 1.209 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn 4 doanh nghiệp trong nước có số thuế nộp từ 500 tỷ đồng trở lên gồm: Công ty Xăng dầu khu vực III (Công ty TNHH Một thành viên) hơn 629 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hải Phòng gần 583,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Thuốc lá Hải Phòng gần 544,3 tỷ đồng; Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng hơn 537,7 tỷ đồng.
Trong 18 doanh nghiệp trong nước tại Hải Phòng có 7 doanh nghiệp có số thuế nộp ngân sách từ trên 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng trong năm ngoái.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp trong nước có số thuế nộp lớn hơn nhiều so với nhóm doanh nghiệp lớn khối FDI.
Cụ thể, 5 doanh nghiệp lớn FDI, Công ty Xi măng Chinfon nộp hơn 286 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tiếp theo là: Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng hơn 197 tỷ đồng; Công ty TNHH SITC Việt Nam 143,55 tỷ đồng; Công ty CP Cáp điện và Hệ thống LS-VINA 87,846 tỷ đồng; Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng hơn 52 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, đóng góp của 23 doanh nghiệp nêu trên góp phần (giúp Hải Phòng) hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố năm 2018.
Năm 2018, Hải Phòng được Trung ương giao dự toán thu (nội địa) 22.772 tỷ đồng, HĐND thành phố giao dự toán thu 24.725 tỷ đồng.
Kết quả thu cả năm đạt 24.768 tỷ đồng, vượt 8,7% dự toán pháp lệnh, và 0,2% dự toán HĐND thành phố giao đầu năm, tăng 13,8% so với năm 2017.
Riêng tháng 12, Cục Thuế Hải Phòng thu nộp ngân sách nhà nước 4.454 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần số thu bình quân hàng tháng và cao nhất từ trước đến nay.