Tại ĐBSCL, các địa phương như: Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang... có số bệnh nhân mắc cao trong khu vực.
Theo bác sĩ CK2 Dương Ân Hận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp (CDC), 6 tháng đầu năm nay, số ca mắc SXH có xu hướng tăng và số trẻ mắc cao hơn so với cùng kì.
Số ca SXH tại các tỉnh miền Nam tăng nhanh trong đỉnh điểm mùa mưa - Ảnh: Kim Hà. |
“Tình hình SXH năm 2022 đang có chiều hướng tăng mạnh. Từ tuần 15 số ca tăng nhanh duy trì ở mức cao, vượt qua đường dự báo dịch. Tình hình mắc trong các tuần kế tiếp có thể tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp hơn khi bắt đầu vào cao điểm của mùa mưa. Nguy cơ xảy ra dịch ở quy mô khóm/ấp và quy mô xã/phường. Thêm vào đó, các khu vực tập trung đông dân cư có nhiều hộ gia đình đi làm ăn xa, đóng cửa trong thời gian dài, cũng tạo điều kiện cho véc tơ truyền bệnh phát triển và khó xử lí.”, Phó Giám đốc CDC Đồng Tháp thông tin.
Tại Cần Thơ, năm 2022 ghi nhận nhiều ca SXH nặng hơn so với cùng kì - Ảnh: Kim Hà. |
Còn tại Cần Thơ, tính đến 5/7/2022, thành phố ghi nhận 1.805 ca mắc SXH. Đặc biệt, trong vòng vài ngày trở lại đây (30/6 – 5/7/2022) có đến 1.066 ca; trong khi cùng kì chỉ có 144 ca.
Điều đáng nói, SXH năm nay có nhiều ca diễn tiến phức tạp. Nếu năm 2021, Cần Thơ chỉ có 9 ca ở mức độ cảnh báo và 7 ca mức độ nặng thì cùng kì năm 2022 lại có đến 49 ở mức độ cảnh báo và 18 ca ở mức độ nặng.
Sốt xuất huyết tại ĐBSCL tăng nhanh trong đỉnh điểm mùa mưa - Ảnh: Kim Hà. |
Để kiểm soát, các địa phương ở ĐBSCL đã triển khai những biện pháp nhằm kịp thời ngăn chặn dịch SXH bùng phát trong thời gian tới.
Là một trong 3 địa phương có số ca tử vong cao, nhiều ổ dịch, Đồng Tháp đã tiến hành giám sát ca bệnh bằng cách duy trì hệ thống báo cáo ngày, tuần và phản hồi thông tin đầy đủ cho tuyến huyện, đảm bảo việc phát hiện sớm ca bệnh và xử lí ổ dịch triệt để, kịp thời trong vòng 48 giờ, tránh bỏ sót ổ dịch và đảm bảo phạm vi xử lí, quy trình kĩ thuật. Chủ động chỉ đạo tuyến huyện mở rộng bán kính xử lí ổ dịch tại những nơi có nguy cơ cao.
Ngoài ra, tỉnh cũng duy trì hoạt động giám sát véc tơ hàng tháng để phát hiện sớm sự gia tăng của véc tơ truyền bệnh SXH. Đồng thời, thường xuyên lấy mẫu huyết thanh phục vụ cho phòng chống dịch, nhắc nhở những đơn vị chưa lấy mẫu hoặc lấy mẫu tập trung không trải đều theo tháng. Xác định tuýp virus Dengue lưu hành theo địa phương để nhận định tình hình dịch.
Tác giả: Kim Hà
Nguồn tin: Báo Tiền phong