Dưới đây là 7 lời khuyên từ chuyên gia thần kinh học giúp bạn kiểm soát tình trạng chóng mặt.

7 cách để giảm tình trạng chóng mặt

Thành Trịnh

Bạn có thấy mình thường xuyên bị chóng mặt không? Nhiều người phàn nàn về cảm giác như họ sắp ngất đi hoặc cảm giác xung quanh đang chuyển động quay vòng quanh họ. Tình trạng này thường xảy ra cùng với triệu chứng buồn nôn hoặc nôn.

Mặc dù chóng mặt không phải là một tình trạng bệnh lý nhưng nó có thể là triệu chứng của một số vấn đề tiềm ẩn như hạ huyết áp (huyết áp thấp), say tàu xe, rối loạn lo âu, quá nóng và mất nước.

Nguyên nhân gây cảm giác chóng mặt

- Cảm giác chóng mặt liên tục có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:

- Các vấn đề về tai trong, như rối loạn tiền đình hoặc bệnh Meniere, làm mất cân bằng.

- Huyết áp thấp, mất nước hoặc thiếu máu cũng gây chóng mặt hoặc choáng váng.

- Các tình trạng như đau nửa đầu hoặc lo âu làm tăng độ nhạy cảm với các kích thích của môi trường, gây chóng mặt.

- Thuốc, đặc biệt là thuốc ảnh hưởng đến huyết áp, có thể gây chóng mặt.

- Các vấn đề về thần kinh, chẳng hạn như bệnh đa xơ cứng hoặc đột quỵ, làm gián đoạn tín hiệu giữa não và cơ thể, dẫn đến chóng mặt.

- Ngoài ra, ngủ không đủ giấc, căng thẳng hoặc chế độ ăn uống kém làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

chong-mat-1q-1712885702.PNG

Ảnh: Shutterstock

7 lời khuyên để giảm chóng mặt

Giữ đủ nước

Mất nước là nguyên nhân phổ biến gây chóng mặt. Tiến sĩ thần kinh học Madhukar Bhardwaj khuyến nghị bạn nên đảm bảo uống đủ lượng nước trong ngày, đặc biệt là khi thời tiết nóng bức hoặc khi hoạt động thể chất. Tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine và rượu vì chúng cũng góp phần gây mất nước.

Duy trì chế độ ăn uống cân bằng

Lượng đường trong máu thấp có khả năng gây chóng mặt. Bữa ăn cân bằng, lành mạnh bao gồm sự kết hợp của carbohydrate phức tạp, protein nạc và chất béo lành mạnh. Tránh bỏ bữa và chọn đồ ăn nhẹ như các loại hạt, trái cây hoặc bánh quy giòn làm từ ngũ cốc nguyên hạt để giữ lượng đường trong máu ổn định.

Quản lý căng thẳng

Căng thẳng và lo lắng sẽ khiến các triệu chứng chóng mặt trầm trọng thêm. Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, thiền hoặc yoga để giúp giảm bớt căng thẳng và nâng cao sức khỏe tổng thể. Ưu tiên các hoạt động chăm sóc bản thân và tham gia vào những sở thích mang lại cho bạn niềm vui và sự thư giãn.

Tập thể dục thường xuyên

Hoạt động thể chất giúp cải thiện tuần hoàn, tăng cường cơ bắp và tăng cường khả năng giữ thăng bằng. Tất cả đều có thể giúp giảm chóng mặt.

Tiến sĩ Bhardwaj khuyên bạn chọn những bài tập mà bạn thích và có thể thực hiện một cách an toàn như đi bộ, bơi lội hoặc giãn cơ nhẹ nhàng. Bắt đầu từ từ và tăng dần cường độ khi mức độ thể chất của bạn được cải thiện.

chong-mat-2-1712885702.PNG

Ảnh: Adobe Stock

Giữ môi trường xung quanh thoáng mát

Nóng có thể làm tình trạng chóng mặt khó kiểm soát, nên hãy cố gắng giữ mát trong môi trường xung quanh bạn. Sử dụng quạt hoặc điều hòa không khí để duy trì nhiệt độ thoải mái trong nhà. Nếu bạn cần ra ngoài vào ngày nắng nóng, hãy mặc quần áo nhẹ, thoáng khí và tìm bóng râm bất cứ khi nào có thể. Ngoài ra, hãy cân nhắc mang theo ô hoặc khăn làm mát để giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.

Tránh các yếu tố kích thích

Xác định và tránh các tác nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng chóng mặt, bao gồm chuyển động đột ngột, ánh sáng chói, tiếng ồn lớn và môi trường có mùi nồng. Cố gắng giảm thiểu tiếp xúc với những tác nhân này bất cứ khi nào có thể để ngăn ngừa các cơn chóng mặt.

Luyện tập tư thế tốt

Tư thế xấu góp phần gây chóng mặt do ảnh hưởng đến lưu lượng máu và chức năng thần kinh. Duy trì tư thế thích hợp khi ngồi, đứng và đi lại để giảm căng thẳng cho cổ và lưng. Ngoài ra, hãy đảm bảo bạn nghỉ để giãn cơ khi làm việc trên máy tính.