700-800 sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội bị buộc thôi học mỗi năm

Admin
ĐH Bách khoa Hà Nội nổi tiếng là trường lấy điểm chuẩn cao, khó trúng tuyển. Việc học cũng không hề dễ khi hàng năm, 700-800 sinh viên phải thôi học do không đáp ứng được yêu cầu.

Ngoài khả năng trúng tuyển, cơ hội việc làm sau khi ra trường, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, số sinh viên bị buộc thôi học cũng nhận được quan tâm của thí sinh, phụ huynh.

"Qua tìm hiểu, tôi được biết việc vào Bách khoa Hà Nội đã rất khó, việc học còn khó hơn rất nhiều. Tỷ lệ sinh viên trượt môn cao, thậm chí, có lớp trượt đến 70-80%. Thông tin này có chính xác không? Mong trường cung cấp thêm con số tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn", một phụ huynh có con sắp xét tuyển đại học đặt câu hỏi tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2021.

 Phụ huynh lo lắng trước thông tin việc học tại ĐH Bách khoa Hà Nội rất khó. Ảnh: HUST.

Trước mối bận tâm của phụ huynh, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, khẳng định để trúng tuyển và theo học tại trường đều khó, yêu cầu sinh viên phải cố gắng hết sức.

"Dù đầu vào sinh viên giỏi, các em vẫn phải đảm bảo phong độ, không học kiểu xả hơi. Tất nhiên, việc học ở trường hứa hẹn cho các em tương lai nghề nghiệp, công việc rất tốt. Điều này sòng phẳng thôi, chẳng có thành công nào mà không vất vả", ông Điền chia sẻ.

Ông thông tin trung bình mỗi năm, khoảng 700-800 sinh viên hệ chính quy của trường bị buộc thôi học, đa số do không đảm bảo được quy chế của trường.

70-80% trong số sinh viên bị buộc thôi học do sa đà, xác định mục tiêu không rõ ràng. Số còn lại xuất phát từ những nguyên nhân như mất động lực, ốm đau.

Với những sinh viên này, ông Điền cho rằng nếu được hỗ trợ bằng phương án khác, các em có thể khắc phục được khó khăn. Ngoài ra, khi buộc thôi học hệ chính quy, sinh viên vẫn có thể học hệ khác như vừa làm vừa học.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, số lượng sinh viên bị buộc thôi học trên không chỉ có tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Thông tin ông nắm được, các trường kỹ thuật khác như ĐH Thủy lợi, ĐH Giao thông Vận tải cũng có số lượng sinh viên phải bỏ dở việc học không ít hơn con số 700-800 em/năm.

Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, con số này của Bách khoa tăng hàng năm. Hiện tại, trường phấn đấu với chương trình kỹ sư 5 năm, 60% sinh viên ra trường đúng hạn. 40% còn lại, không tính những em bị buộc thôi học, sẽ cố gắng trả nợ môn để có thể tốt nghiệp vào năm thứ sáu.

Tuy nhiên, ông Điền cho rằng thí sinh và phụ huynh cũng nên nhìn vào mặt tích cực. Trong số 5.000 sinh viên tốt nghiệp (trên khoảng 6.000 em nhập học đầu khóa), khoảng 1.000 em ra trường trước thời hạn.

Con số này cho thấy sự chênh lệch, phân hóa rất lớn giữa các sinh viên về ý thức, kỹ năng, thái độ và trình độ, kiến thức. Ngoài ra, trong số những em có thể tốt nghiệp, số em đạt loại khá giỏi chiếm khoảng 70%.

Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ. Các trường luôn đặt ra những giới hạn nhất định cho sinh viên để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Hiện tại, xu hướng mới là xã hội không chỉ quan tâm thuần túy về mặt kiến thức. Đương nhiên, người có trình độ, kiến thức tốt là điều kiện rất tốt để phát triển nghề nghiệp. Song những khía cạnh liên quan kỹ năng và thái độ cũng hết sức được chú trọng.

"Thái độ kém, không có động lực phấn đấu, ý thức trách nhiệm hoặc những kỹ năng xã hội, kỹ năng nghề nghiệp thì kiến thức tốt cũng không đảm bảo tương lai xán lạn được. Do đó, việc phát triển hài hòa, tương đối về con người trong các trường đại học hết sức được chú trọng và ngày càng có thêm những yêu cầu mới", ông Điền nói thêm.

Tác giả: Nguyễn Sương

Nguồn tin: zingnews.vn