79 nghìn học sinh dự thi THPT, các trường đang ráo riết ôn luyện

Admin
Ngày 15.5, Sở GD-ĐT Hà Nội thông tin hiện vẫn đang kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất tại các địa điểm dự kiến sẽ sử dụng làm địa điểm thi cho kỳ thi THPT 2018.

 Kỳ thi THPT quốc gia 2018: Việc ôn tập sẽ căng thẳng hơn các năm trước - Ảnh: Internet

Theo báo cáo, năm 2018 Hà Nội có 79 nghìn học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó có khoảng 68 nghìn học sinh THPT, số còn lại là học viên hệ giáo dục thường xuyên và học sinh đã tốt nghiệp THPT đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Sở GD-ĐT dự kiến tổ chức 123 điểm thi THPT quốc gia với khoảng 3.300 phòng thi.

Theo kế hoạch, ngày 25.5, Sở GD-ĐT sẽ hoàn thành việc lập danh sách, đánh số báo danh thí sinh tại từng điểm thi. Thí sinh nhận “Giấy báo thi THPT quốc gia năm 2018” chậm nhất vào ngày 7.6. Tới thời điểm này, sức nóng chuẩn bị cho kỳ thi THPT trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Các trường đồng loạt củng cố toàn bộ kiến thức cho học sinh để ôn luyện, đạt kết quả cao nhất.

Năm nay, dự báo đề thi khó hơn năm trước do có cả chương trình lớp 11, nhiều phân loại thí sinh, nên các trường THPT đều sớm có kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh. Ở Hà Nội, theo ghi nhận tại nhiều trường THPT, đã kết thúc học kỳ II của khối 12 từ đầu tháng 5, hiện đang tập trung cao điểm cho hoạt động ôn tập cho các thí sinh.

Nhiều trường đang tích cực ôn tập cho học sinh khối 12, ngoài các môn thi bắt buộc (toán, ngữ văn và ngoại ngữ), trường còn bố trí ôn tập tăng cường các môn học theo khối thi như: A, D, A1. Nhiều trường cũng đã sớm có định hướng xếp lớp cho các học sinh có dự định theo khối xét tuyển vào đại học, phân công nhiệm vụ cho giáo viên sớm nắm bắt, bồi dưỡng học sinh. Ngoài ra, trường cũng đã tổ chức thi thử để học sinh làm quen với đề thi, cách thức tổ chức thi.

Năm 2018, Bộ GD-ĐT quyết định trao quyền xác định điểm sàn cho tất cả các trường, trừ những trường đào tạo giáo viên. Như vậy đồng nghĩa là Bộ GD-ĐT đã buông bỏ điểm sàn cho các trường tự kiểm soát chất lượng đầu vào làm sao phù hợp với chất lượng đào tạo ở trường mình.

Đứng trước những băn khoăn của dư luận về việc trao quyền tự chủ và buông bỏ điểm sàn cho các trường có dẫn đến việc giảm chất lượng hay không, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng nên hiểu tự chủ ở trong hoạt động tuyển sinh chính là việc làm giảm tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường một cách hiệu quả nhất. Chính các trường sẽ phải cân đối việc thiếu nguồn lực từ xã hội để thúc đẩy ngành học của trường mình, đáp ứng các yêu cầu của các công ty. Điều quan trọng nhất chính là Bộ phải kiểm soát được việc gian lận, chạy chọt trong chính việc tuyển sinh, không buông lỏng quản lý để xảy ra những việc không đáng có trong một kỳ thi tuyển sinh quan trọng.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 24 - 27.6. Nhằm chuẩn bị, định hướng ôn tập cho các thi sinh, Bộ GD-ĐT đã vừa có văn bản gửi các Sở GD-ĐT về tổ chức dạy học lớp 12 và ôn thi THPT quốc gia năm 2018. Bộ nhấn mạnh, nội dung ôn tập cho kỳ thi bao gồm chương trình giáo dục lớp 11 và lớp 12 THPT. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch dạy học, ôn tập cho kỳ thi 2018 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng, không gây quá tải và bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Cũng theo Bộ GD-ĐT, đề thi bao gồm 60% kiến thức cơ bản, còn lại là nâng cao để phân loại. Đề thi sẽ có thêm khoảng 20% nội dung lớp 11.