Giáo dục

Ai dám khẳng định trường thu học phí cao sẽ có chất lượng đào tạo tốt?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: “Trong thời buổi chỉ vài nghìn đồng/kg lúa thì số tiền học phí kia tính ra số thóc sẽ không còn là chuyện nhỏ”.

Học phí mỗi kỳ hàng chục triệu, thí sinh sẽ tìm cơ sở đào tạo khác

Giải thích việc trường Đại học Kinh tế Quốc dân tăng học phí 30% gây sốc cho sinh viên, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định, việc tăng học phí của trường được thực hiện theo đúng lộ trình tại Quyết định 368 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3 phê duyệt đề án tự chủ của trường trong đó có tự chủ về tài chính.

Thậm chí, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) Bùi Hồng Quang cũng cho rằng: Với mức học phí tăng của các trường thí điểm tự chủ so với các nước thì quá thấp. Thậm chí mức phí đầu tư cho học Đại học ở Việt Nam còn rẻ hơn cả học mầm non.

NEU
Dựa vào đâu mà Kinh tế quốc dân tự nhận “là trường đại học hàng đầu về kinh tế”? (Ảnh cắt từ youtube)

Nhìn nhận điều này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng:

“Mức học phí mà trường Đại học kinh tế quốc dân tăng ở một số ngành học, chúng ta khó để đánh giá cao hay thấp vì Nhà trường đã tính toán dựa trên mức sàn tối thiểu, tối đa mà Nhà nước quy định.

Tuy nhiên, tôi cho rằng đừng làm gì quá đột ngột vì điều kiện kinh tế nước nhà nói chung, điều kiện của những người có con đi học đại học nói riêng hiện còn đang khó khăn nên không thể đưa ra phép tính so sánh với các nước khác.

Tình hình trong nước cho thấy, một sinh viên đi học, mỗi năm tiêu tốn vài chục triệu đồng thì việc tăng học phí 30% không phải là chuyện đơn giản.

Trong thời buổi chỉ vài nghìn đồng/kg lúa thì số tiền học phí kia tính ra số thóc sẽ không còn là chuyện nhỏ của nhiều gia đình”.

Với tình hình hiện nay đang diễn ra giữa Nhà trường và sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân, TS.Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đưa phương án:

“Với những sinh viên đang theo học tại Nhà trường thì lộ trình tăng học phí phải phù hợp với hoàn cảnh của sinh viên hoặc là không tăng hoặc là tăng ở mức thấp vì lúc này các em không thể bỏ trường này để học trường khác.

Còn việc tăng theo đề án tự chủ chỉ nên áp dụng với sinh viên nhập học năm 2016-2017 trở đi nhưng khi đó Nhà trường phải có cam kết chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm sau khi ra trường”.

Đã là thầy thì đừng bao giờ nghĩ tiền nhiều dạy nhiều, tiền ít dạy ít

Học phí tăng 30% khiến sinh viên “sốc”, ấy thế mà, lãnh đạo Nhà trường ngang nhiên khẳng định, học phí của Đại học Kinh tế Quốc dân cao nhưng chưa phải cao nhất so với những trường Đại học công lập khác mặc dù đây là trường Đại học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo kinh tế.

Nhận xét về quan điểm này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: “Giáo dục đòi hỏi cái tâm của người lãnh đạo, của người thầy, đã là thầy thì đừng bao giờ nghĩ tiền nhiều dạy nhiều, tiền ít dạy ít mà cần phải tận tâm với học sinh. Đó là nhiệm vụ của một nhà giáo dục.

Tất nhiên, xã hội sẽ cố gắng đãi ngộ một cách thỏa đáng nhưng trong điều kiện kinh tế còn khó khăn thì việc tăng học phí cần làm ở mức tăng từ từ để thí sinh, phụ huynh thích ứng.

Vì khi tăng quá cao, sinh viên không thích ứng được thì họ sẽ tìm đến cơ sở khác có đào tạo lĩnh vực đó mà giá cả hợp lý hơn”.

Còn theo quan điểm của TS.Nguyễn Tùng Lâm: “Nhà trường không thể tự cho mình “là trường đại học hàng đầu về kinh tế” bởi chúng ta không thể đặt lên bàn so sánh trường nào tốt hơn trường nào khi mà mỗi trường có một chương trình, đào tạo khác nhau.

Và càng không thể nói mức học phí cao sẽ tương đương chất lượng đào tạo tốt”.

Tác giả bài viết: Linh Hương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP