Ai đang tước đoạt giờ chơi của trẻ?

Admin
Tuy chưa có những số liệu khảo sát chính thức nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy giờ chơi của trẻ em Việt Nam ngày càng ít ỏi. Học quá nhiều, ít giờ chơi, hậu quả là đã xảy ra không ít chuyện đau lòng.

Những “cỗ máy” học

Ở những thành phố lớn, không hiếm những “cỗ máy” học: dậy từ 5h sáng, 6h sáng đến trường, 5h chiều bố mẹ đón, 7h tối đi học thêm đến 9h, về nhà lúc đã khuya. Không còn giờ chơi nữa! Cộng thêm chương trình học nặng nề ở trường, môi trường ganh đua quyết liệt vì điểm số, trẻ sẽ ngày càng nặng nề vì áp lực đè nặng.

 Không hiếm gặp cảnh học sinh phải ăn, uống trên đường đi học


Tình trạng này được xác nhận bởi các chuyên gia ngày càng nhiều, thậm chí là cả đánh giá của chuyên gia nước ngoài. Tại một cuộc hội thảo tại TP.HCM năm ngoái, TS Jonathan Halévy, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Family Medicine Practice, cho rằng trẻ em Việt Nam bị làm việc quá sức bởi lịch trình học tập chặt chẽ.

"Các bậc phụ huynh Việt Nam rất tận tụy và muốn con mình có được nền giáo dục tốt nhất. Nhiều thanh thiếu niên học các bài học bổ sung về toán học, tiếng Anh… sau giờ học. Sau đó, họ trở về nhà để có một bữa ăn tối nhanh chóng và làm bài tập về nhà của họ. Đến thời điểm họ đi ngủ nó đã gần nửa đêm (hoặc thậm chí là nửa đêm qua). Một số trường học ở Việt Nam làm việc theo ca và các lớp bắt đầu rất sớm, có nghĩa là trẻ em phải thức dậy lúc 5 giờ sáng để đến trường đúng giờ. Điều đó khiến cho đứa trẻ có rất ít thời gian để nghỉ ngơi", ông Jonathan nói.

 Trẻ đang bị tước đoạt giờ chơi bởi áp lực học tập


Những cảnh báo vẫn liên tục được phát đi. Nhưng chỉ đến gần đây, hàng ngàn cha mẹ mới giật mình với một câu chuyện có thật: một nam sinh lớp 9 đã nhảy lầu tự tử vì áp lực học tập, áp lực điểm số. Bị điểm kém trong khi trước đó luôn được kỳ vọng, lại ở trong một ngôi trường có sự cạnh tranh rất lớn, nam sinh này đã không vượt qua được nỗi thất vọng, bị trầm cảm nặng rồi lựa chọn kết quả cực đoan…

Trả lại giờ chơi cho trẻ

Đến khi câu chuyện đau lòng trên xảy ra, nhiều cha mẹ mới bắt đầu hoảng hốt và “tự vấn” lại mình. Không ít cha mẹ viết ngay trên Facebook cá nhân của mình là sẽ không ép buộc con học nữa, không quan trọng điểm số của con như trước nữa.

Nhưng đó chưa phải là cách giải quyết gốc rễ để giải tỏa áp lực cho con khi nền giáo dục vẫn đang bị đánh giá là quá nặng nề. Theo nhiều chuyên gia, cho trẻ được trải nghiệm nhiều giờ chơi hơn mới là cách để trẻ cân bằng, xóa tan áp lực.

TS Tâm lý Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - giáo dục TP.HCM, cho biết mình từng chứng kiến nhiều trường hợp, buổi chiều cha mẹ chở con đi học thêm, vừa đi trẻ vừa ăn tạm ổ bánh mì, tối về các cháu đã đuối rồi vẫn phải tiếp tục làm bài tập về nhà. Theo ông, về nguyên tắc tâm lý thông thường, con người hoạt động, sinh hoạt, vui chơi, nghỉ ngơi… phải phù hợp với nhịp sinh học của mỗi người. Nếu học nhiều quá thì trẻ sẽ không đủ thì giờ để cân bằng đời sống tinh thần, dẫn đến các cháu sẽ bị quá tải trong việc học.

 Một học sinh tranh thủ ăn vội trước giờ bước vào buổi học thêm


“Nhiều trẻ em thành phố lớn lên với tuổi thơ không trọn vẹn, chỉ có mỗi học và học mà không được trải nghiệm những trò chơi tương tác thú vị bên bạn bè... Về phương diện tinh thần, tâm hồn của trẻ sẽ ít có cảm xúc với thế giới xung quanh, dẫn đến nghèo nàn về tình cảm. Một người ít cảm xúc thì ứng xử với thế giới sẽ rất xơ cứng, không dễ dàng thích nghi với những thay đổi của cuộc sống, và dễ khép mình với xã hội. Điều đó còn dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng hơn như trẻ sẽ không có bạn để chơi, lớn lên sẽ như những con "gà chọi", chỉ biết học mà không có kỹ năng sống, kỹ năng xã hội. Chính từ đây các em dễ rơi vào cạm bẫy, không có sức đề kháng tinh thần để vượt qua những thất bại”, TS Đinh Phương Duy nói.