Ai sẽ dọn rác, đuổi chuột trên tàu du lịch Hạ Long?

Admin
Mấy ngày nay, câu chuyện Lynne Ryan và nhóm du khách Australia bức xúc vì phải đi tàu rác trên vịnh Hạ Long gây xôn xao dư luận, cả báo Việt lẫn báo nước ngoài.

 

 

Đây là vụ việc điển hình làm xấu xí hình ảnh du lịch vịnh Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Vụ tàu rác là phần nổi của tảng băng, là biểu hiện bề nổi của những nguyên nhân sâu xa trong cách làm du lịch cẩu thả, hớt váng. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm vụ này thuộc về ai, làm gì để nhấn chìm tàu rác?

Công ty bán tour vô trách nhiệm

Nếu Lynne Ryan không chia sẻ cảm nhận về con tàu bẩn thỉu, đầy rác mang tên Hoàng Phương 16 trên trang cá nhân, bà và những người bạn cũng không bao giờ biết rằng, mình chưa từng đặt chân tới vịnh Hạ Long thật. Nếu không có chuyện con tàu đầy gián, chuột, câu chuyện này có lẽ cũng không bao giờ được phanh phui. Và tình trạng làm du lịch cẩu thả này có lẽ vẫn còn tiếp diễn với nhiều nhóm du khách khác.

Thời của sức mạnh số, khi tiếng nói của một du khách đã trở thành câu chuyện trên hàng loạt báo lớn ở Việt Nam và cả những trang tin trên thế giới. Và câu chuyện tàu rác đã giúp ngành du lịch Việt nhìn thấy nhiều vấn đề “chìm” dưới vùng nước Cát Bà - Hạ Long.

Việt nam còn tồn tại quá nhiều tour "treo đầu dê bán thịt chó", trốn thuế, phí

Tàu HP4686 quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo. Càng ngạc nhiên hơn là tàu đã chuyển vùng hoạt động, không được Quảng Ninh cấp phép, không có giấy phép phục vụ khách lưu trú qua đêm, nhưng thực tế là con tàu không phép ấy đã đưa khách nước ngoài ngủ đêm trên biển. Công ty Spring Travel Agency chỉ biết bán tour, thu tiền và xem như hết trách nhiệm.

Thật nực cười khi du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển, lại có những nơi làm ăn ẩu đến mức không thèm kiểm tra chất lượng dịch vụ của đối tác, cũng không có hướng dẫn viên đi cùng. Chương trình được đánh tráo Hạ Long thành Cát Bà. Cảnh quan cũng na ná, dễ lừa khách nhưng đi Cát Bà rẻ hơn nhiều so với Hạ Long. Có thể đó là một dạng tour chui “treo đầu dê bán thịt chó”, vì nếu đưa khách thăm vịnh đơn vị khai thác tour sẽ phải đóng thêm hàng loạt phí, thuế.

Sự chậm trễ khiến du lịch Hải Phòng mãi lạch bạch

Khi sự việc bị báo chí phanh phui, đáng ra doanh nghiệp bán tour, doanh nghiệp vận hành tàu sẽ phải liên lạc với khách, kiểm tra thực tế để trả lời dư luận và có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, doanh nghiệp bán tour, công ty vận hành tàu im tiếng và đến nay chưa hề có một lời xin lỗi chính thức nào với du khách. Hành xử như vậy, họ đã tự xác nhận cách làm ăn chụp giựt.

Một vấn đề đáng nói ở đây là quản lý nhà nước. Tại sao những doanh nghiệp như vậy vẫn tồn tại? Tại sao một con tàu thiếu an toàn, trang thiết bị vật chất xuống cấp trầm trọng đến mức xem thường sinh mạng con người vẫn hiên ngang hoạt động? Đây là sự cố đầu tiên hay thứ mấy? Trách nhiệm thuộc về ai? Cá nhân nào phụ trách?

 

Các đơn vị quản lý còn rất chậm trễ, lẫn tránh trách nhiệm

Thêm vào đó, tàu xuất bến mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng như cảng vụ vậy câu hỏi đặt ra là có đơn vị nào của Hải Phòng (và kể cả Quảng Ninh) biết con tàu này đang chở khách nước ngoài ngủ đêm trên biển? Tàu neo ở vị trí nào? Nếu có lốc xoáy, có cháy nổ thì lực lượng nào sẽ ứng cứu? Các đơn vị chức năng như biên phòng có nắm được danh sách những người nước ngoài trên tàu Hoàng Phương 16 không?

Nếu nghiên cứu kỹ sẽ còn một câu hỏi nữa, đây có thể là nguyên nhân sâu sa của vụ việc: Có phải sau khi Quảng Ninh siết lại tiêu chuẩn tàu thuyền (chỉ những tàu đảm bảo chất lượng mới được hoạt động), thì những tàu cũ, nát, kém chất lượng lại được phía Hải Phòng dung túng cho tồn tại? Vịnh Hạ Long là vùng nước chung mà cả Hải Phòng và Quảng Ninh đều tiếp giáp. Nếu tiêu chuẩn tàu thuyền của hai bên không thống nhất thì tàu rác của Hải Phòng vẫn có thể sẽ hoạt động chui trên vịnh Hạ Long, danh tiếng của di sản thiên nhiên thế giới sẽ bị hủy hoại bởi những con tàu kém chất lượng như thế.

Để xử lý dứt điểm tình trạng này, cần sự vào cuộc của Tổng cục Du lịch và lãnh đạo Hải Phòng, Quảng Ninh cùng rà soát lại, thống nhất tiêu chuẩn tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long, để sau đó bất kỳ tàu nào, dù xuất bến từ Cát Bà hay từ Tuần Châu, dù tàu của Hải Phòng hay của Quảng Ninh phục vụ du khách trên vùng nước vịnh Hạ Long đều phải đảm bảo tiêu chuẩn như nhau.

 

Nếu có lốc xoáy, cháy nổ, lực lượng nào sẽ ứng cứu con tàu?

Trở lại vụ việc cụ thể của tàu Hoàng Phương 16, cách xử lý của Hải Phòng cũng rất thiếu chuyên nghiệp. Ngay khi sự việc xảy ra, TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã phản ứng khá nhanh và kịp thời. Lãnh đạo TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt lên tiếng để bảo vệ ngành du lịch của tỉnh mình. Còn Hải Phòng, nơi diễn ra sự việc, cùng Hà Nội, nơi có trụ sở của công ty bán tour, các đơn vị quản lý đều rất chậm trễ, né tránh trách nhiệm. Thậm chí, lãnh đạo Hải Phòng còn lên tiếng phủ nhận thông tin và có ý đổ trách nhiệm cho phía Quảng Ninh?

Điều này cũng thể hiện tầm quản lý và xử lý tình huống của các đơn vị, lý giải phần nào vì sao du lịch Hải Phòng vẫn “lạch bạch chim cánh cụt” so với Quảng Ninh.

Trên thế giới cũng từng xảy ra nhiều vụ các tour du lịch làm phiền lòng du khách. Yasuyuki Yamada, 35 tuổi, và vị hôn thê người Nhật dùng bữa tại một nhà hàng lâu năm ở thành phố Rome, Italy cũng đã phải choáng váng khi nhìn thấy hóa đơn thanh toán lên đến 1.200 USD. Câu chuyện của anh đã đến tai các nhà chức trách của Italy. Ngay lập tức, thanh tra y tế nước này yêu cầu đóng cửa nhà hàng chặt chém du khách. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Du lịch Italy, lên tiếng xin lỗi vì những rắc rối cặp đôi gặp phải tại Rome. Ngoài ra, bà cũng mời Yamada một kỳ nghỉ miễn phí tại đất nước này với tư cách khách mời của chính phủ.

Cần phải xử lý mạnh hơn

Nói thêm là vậy, nhưng tôi cho rằng, đây là câu chuyện của người Việt Nam, nên người Việt Nam sẽ phải chịu hệ lụy nặng hơn. Đừng để người nước ngoài lên tiếng rồi chúng ta mới làm.

Nếu làm giám đốc Sở Du lịch của Hà Nội, Hải Phòng hoặc Quảng Ninh, tôi sẽ lập tức gửi email xin lỗi khách một cách chân thành và cầu thị. Tôi cũng sẽ đền bù khách một tour du lịch khác, chất lượng hơn và nói với họ rằng “Hãy cho chúng tôi cơ hội chuộc lỗi trong dịp trở lại Việt Nam gần nhất”. Làm được vậy, tôi tin chắc khách sẽ vui vẻ, càng yêu quý đất nước Việt Nam xinh đẹp, con người Việt Nam cầu tiến và thành tâm.

Mất tiền, không đáng ngại. Đáng lo là mất niềm tin, mất cơ hội, mấy uy tín thì không thể mua hay bù đắp được.

 

Người đứng đầu ngành du lịch Việt Nam nên có lời xin lỗi chính thức và mời bà  Lynne Ryan nhóm khách Australia

Lâu nay, việc quản lý du lịch của các địa phương rất lỏng lẻo. Cơ quan làm việc giờ hành chính, không có điều kiện và cũng không chịu vi hành. Các vi phạm chủ yếu là nhờ mạng xã hội và báo chí nhưng xử lý thường bị động, chậm chạp và đùn đẩy vì sợ trách nhiệm, không dám quyết đoán. Dấu ấn của tư duy bao cấp vẫn rất rõ nét khi cấp dưới chờ chỉ đạo. Khi sự cố xảy ra, lãnh đạo thường lạnh lùng phán một cách vô trách nhiệm “Chưa nghe báo cáo”. Ngoài việc lập đường dây nóng, các cấp quản lý cần chịu khó và có quy chế vi hành, tổ chức mạng cộng tác viên từ đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên các khu, điểm dịch vụ và du lịch.

Việc xử phạt cần phải mạnh tay hơn nữa mới đủ sức răn đe. Ngoài việc phạt tiền, có thể rút giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn đến vĩnh viễn của công ty bán tour, công ty vận hành tàu, thu hồi đăng ký, cấm chở khách với tàu kém chất lượng… Truy cứu trách nhiệm đơn vị và cá nhân quản lý, nếu để xảy ra sự cố không đáng có, chứ không du di đổ "tại" và "bị" cho khách quan, cho tập thể trừu tượng như lâu nay. Bất kỳ sự cố nào xảy ra, phải khẩn trương như chữa lửa, dập tắt mọi bực dọc có thể phát tán qua mạng với tốc độ chóng mặt và những hậu quả khó lường.

Trước khi có những bước đi căn cơ, trước khi Hải Phòng lên tiếng xin lỗi du khách, có lẽ người đứng đầu ngành du lịch Việt Nam nên có lời xin lỗi chính thức và mời bà Lynne Ryan cùng nhóm khách Australia trở lại Việt Nam với một tour chất lượng cao và hoàn toàn miễn phí, để họ được trải nghiệm Hạ Long thật sự chứ không phải là một Hạ Long giả hiệu trên một con tàu rác.