Hạc bay đi rồi, vô tâm còn đó
15 năm trước, một phi công chuẩn bị bước vào chuyến bay thực sự đầu đời đã phải chết tức tưởi chỉ vì một lý do không ai ngờ được.
Anh cùng bạn đến chơi nhà một người bạn khác. Qua một con đường đồng thuộc quận Thanh Xuân, một quãng đường tối, anh đã không kịp lường trước cái gì ở phía trước mặt.
Ôi, không, một chiếc công nông chở các cây gỗ dài làm cọc xây dựng, đỗ yên đó không biết từ bao giờ…
Chiếc xe đã không tránh được. Cây gỗ đâm trúng ngực anh. Không thể cứu kịp một mạng người giữa cung đường vắng vẻ.
Anh là con trai một của một gia đình trí thức. Cái chết không chỉ tước đi quyền sống của một con người mà tước đi hết thảy những yêu thương và hy vọng của một gia đình.
Từ đó, bố anh như người trầm cảm. Mẹ anh mỗi ngày vẫn lặng lẽ gấp những con hạc giấy để đến ngày rằm, ngày mồng một, thả hạc giấy về trời.
.
Bao nhiêu năm đã qua, cứ đến ngày rằm, ngày mồng một, người ta vẫn thấy những chùm bóng bay mang theo những con hạc giấy. 15 năm hạc cứ bay đi mà nỗi đau của người mẹ vẫn đông cứng lại ở một thời điểm cho đến tân bây giờ.
Những đàn hạc bay đi, nhưng đồng loại thì vẫn chưa thức tỉnh. Sự vô tâm, vô ý, mà thật đau lòng, chúng lại đến từ những gì hồn nhiên nhất, như đang lởn vởn ngoài cuộc đời, sẵn sàng tước đi mạng sống của bất kỳ ai.
Bạn thương khóc cho ông chở thuê nghèo và sợ ông ấy vướng vào vòng lao lý nhưng tôi thì không thể thông cảm được cho chiếc xe đầy tôn sắc lẹm dựng hồn nhiên bên đường.
Nếu không phải là đứa bé ấy, mà một chiếc xe máy vội vàng tránh chiếc xe bus đi ngược chiều chẳng hạn, điều gì sẽ xảy ra?
Cách đây ít năm, tôi đã kịp thời tránh được một chiếc xe chở tôn như thế mà người điều khiển xe tôn đã không kịp làm chủ được tốc độ.
Chiếc xe tôn như chờ chực nuốt lấy tôi. Thật may mắn, cung đường vắng, tôi kịp rẽ sang trái còn xe chở tôn đổ cắm rầm một phát xuống cái cột mốc bên đường.
Hỏi tôi có thương ông chở tôn nghèo phải vấp vả đánh cược mạng sống của mình và của đồng loại để kiếm sống thế không, tôi thương. Vâng, thương, nhưng mà khó chấp nhận được sự chủ quan ấy.
Và càng khó chấp nhận được những người thuê ông chở, họ là những người bán tôn hoặc những người mua tôn. Họ cũng hoàn toàn vô tâm trước những gì có thể xảy ra.
Họ có biết điều này không? Họ thừa biết. Nhưng họ có được thức tỉnh không? Có lẽ là không.
Người lái xe xích lô chở tôn đáng thương nhưng cũng đáng trách
Bằng chứng sờ sờ ra đó. Hôm qua, một phụ nữ quê Hoà Bình đã tử vong sau khoảng 1 giờ cấp cứu tại BV 103 do bị tấm tôn cứa vào cổ.
Người phụ nữ xấu số này ngồi chờ xe bên đường thì một xe bò chở tôn đi qua. Mảnh tôn sắc đã va vào chị. Vậy là thêm một người chết tức tưởi vì sự hồn nhiên của đồng loại.
Bạn thương người nghèo vì họ nghèo thế mà họ sẽ phải vào tù vì sự việc này ư? Vậy bạn có hiểu được cái cảm giác một người mẹ mất đi đứa con trai 9 tuổi, một người con đâu đó đang chờ mẹ về từ một chuyến đi xa và giờ trở thành vô vọng?
Tình thương đặt không đúng chỗ suy cho cùng cũng là vô tâm. Chúng ta không thể nhân danh cái nghèo, cái hồn nhiên để bao biện cho cái chủ quan trước mạng sống của người khác đã thành thói quen của không ít người nghèo ấy.
Mà cũng đâu cứ người nghèo
Đường Võ Thị Sáu, quận 1 - tp. Hồ Chí Minh, khúc gần công viên Lê Văn Tám.
Ù, ú… một chiếc xe mô tô phân khối lớn lao như tên bắn lạng lách thể hiện. Kẻ ngồi trên chiếc xe nhỏ bé như con ếch đang ôm chiếc lá sen. Tiếng rồ ga và sự lạng lách trong tốc độ nhanh ấy đã khiến biết bao người đi đường giật mình.
Một em nhỏ đi xe đạp bỏ tay lái, loạng quạng ngã xuống. Phía sau em là chiếc xe bus phanh gấp lại. Đứa trẻ tội nghiệp nhăn nhó với những vết trầy xước lộ ra ở đầu gối vì đầu gối bị mài xuống đường.
Suýt nữa là một mạng người.
Chưa ai thống kê những chiếc mô tô phân khối lớn đã gây ra bao nhiêu vụ tai nạn nhưng khi tôi làm thử một cuộc thăm dò trên facebook cá nhân của mình, thì hầu hết các bạn comment đều cho rằng, họ đã từng hoặc suýt thành nạn nhân của những kẻ "biểu diễn" loại xe này trên phố.
Người thì đã phanh gấp và ngã xuống. Người thì nghe tiếng hú từ xa đã vội vàng tránh sang bên cạnh, khiến xe đi sau đâm vào. Cũng có người vì mất bình tĩnh đã đâm vào người khác.
Thế đấy, có những cái bẫy trên đường nó tự nhiên lắm lắm. Cuộc chơi cảm giác của người này lại đang là nỗi khiếp sợ của người khác mà nhiều khi người ta lại sung sướng khi thấy người khác khiếp sợ.
Tác giả Hoàng Nguyên Vũ.
Cuộc chơi cảm giác của người này có khi lại là mạng sống của kẻ khác khi mà người ta tự sợ rồi chết tức tưởi, chứ những kẻ ngồi trên chiếc xe lớn mà biểu diễn kia cuối cùng cũng chẳng phạm luật gì.
Xe thì được phép lưu thông và chẳng va quệt gì với ai. Thế đó.
Người chết, người thương tật từ sự vô tâm của kẻ khác đang là một thực trạng có thật.
Những chiếc xe ba gác chở hàng cồng kềnh, những ông xe ôm một tay điều khiển xe, một tay vác những đòn thép hoặc thanh nhựa dài vẫn "biểu diễn" mỗi ngày trên phố.
Những chiếc xe chở hàng chất hàng đến mức chẳng còn nhìn thấy người lái xe đâu nữa mà có thể trong một phút sơ sẩy, số hàng đó chỉ cần bay ra khỏi xe là thêm vài mạng người phía sau.
Những cái này luật giao thông đường bộ sờ gáy được. Nhưng sờ đến mức nào thì lại là chuyện khác. Sờ nhưng có làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn hay không, lại là chuyện khác.
Nhưng, cũng có những thứ vô tâm khác mà chẳng biết luật sờ vào thì sờ kiểu gì. Đấy, xe mô tô phân khối lớn "biểu diễn" trong nội đô chẳng hạn.
Và có thêm những cái khác nữa. Ví dụ, những chiếc thùng rác dựng hồn nhiên giữa lòng đường (chứ không phải dẹp vào trong vỉa hè) và các ông bà lao công mạnh ai người quét bụi bay mù mịt chẳng hạn. Có người còn thậm chí dựng cái xe rác đó hàng giờ.
Bạn tôi, trong một hôm trời mưa, khi chạy xe trên đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), đã đụng phải cái xe rác như thế.
Xe thì nát tanh bành. Người thì cũng may, bay thẳng vào cái thùng rác. Chứ bay xuống đường thì có lẽ, trong số những người xấu số vì sự vô tâm của chúng ta, đã có thêm một tên người.
Trách thì trách nhiều rồi. Cộng đồng mạng cũng đã sôi sục đưa lên trường hợp này, trước hợp nọ và thông báo cho mọi người biết mình chết hụt vì những lý do lãng xẹt như trên cũng nhiều rồi. Nhưng đã thức tỉnh được ai chưa?
Tiếc là chưa!
Hè phố thì vẫn bị lấn chiếm hiên ngang từng giờ. Chỗ biến thành nơi gửi xe thu tiền, chỗ biến thành chỗ bày hàng. Người đi bộ chẳng còn lối để đi. Trẻ con muốn chơi cũng chẳng có chỗ...
Bao nhiêu con hạc giấy đã được thả về trời? Ai đã lên tiếng rồi? Ai đã thức tỉnh rồi?
Tác giả bài viết: Hoàng Nguyên Vũ
Nguồn tin: