Cà phê là một nguồn chất chống oxy hóa đáng kể. (Ảnh: ITN)
Theo Tạp chí Dân số Thế giới, người dân ở Mỹ thường tiêu thụ khoảng ba tách cà phê mỗi ngày. Sự phổ biến của nó cũng ngày càng tăng ở các quốc gia trên khắp thế giới.
Cà phê thường được chọn vì khả năng cung cấp năng lượng ngay lập tức và chống lại tình trạng uể oải vào buổi sáng. Không chỉ vậy, nó còn là một nguồn chất chống oxy hóa đáng kể, là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết nhất.
Sự khác biệt giữa cà phê nóng và cà phê lạnh
Mặc dù cả cà phê nóng và cà phê lạnh đều là những đồ uống chứa caffein được yêu thích nhất nhưng chúng khá khác nhau.
Quy trình sản xuất
“Sự khác biệt chính giữa cà phê nóng và cà phê lạnh nằm ở phương pháp pha cà phê. Cà phê nóng được pha bằng cách đổ nước sôi hoặc sữa lên hạt cà phê đã xay. Nhiệt giúp chiết xuất đầy đủ các hương vị, bao gồm các loại dầu phong phú và các hợp chất thơm, tạo ra hương vị thơm đậm đà,” chuyên gia dinh dưỡng và nhà giáo dục bệnh tiểu đường được chứng nhận, Tiến sĩ Archana Batra (Ấn Độ) giải thích.
Ngược lại, cà phê lạnh được pha bằng cà phê xay, đá viên, sữa và đường (tùy chọn). Một phương pháp khác để pha cà phê lạnh bao gồm pha cà phê nóng rồi làm lạnh nhanh trên đá hoặc trong tủ lạnh. Phương pháp này có thể mất thời gian.
Hương vị
Cà phê nóng mang lại vị đậm đà nhờ quá trình chiết xuất nhiệt các hợp chất hòa tan và dầu từ hạt. Tuy nhiên, cà phê lạnh mịn hơn, thường ít axit hơn và nhìn chung có hương vị tương tự như cà phê nóng. Hương vị của nó có thể được tăng cường bằng các chất phụ gia như sữa, kem hoặc xi-rô.
Nhiệt độ
Nhiệt độ ảnh hưởng đáng kể đến hương vị cà phê của bạn. Cà phê nóng mang lại cảm giác dễ chịu và tiếp thêm sinh lực, đặc biệt được thưởng thức trong thời tiết lạnh.
Cà phê lạnh mang lại cảm giác sảng khoái và mát lạnh, lý tưởng cho những ngày nắng nóng. Nó thường được thưởng thức với đá hoặc như một phần của đồ uống pha trộn, chẳng hạn như sinh tố cà phê.
Hàm lượng caffein
“Mức độ caffeine trong cả hai loại cà phê đều phụ thuộc vào kỹ thuật pha cà phê và tỷ lệ cà phê với nước hoặc sữa”, Tiến sĩ Batra nói.
Ngoài ra, cà phê nóng có thể có nồng độ cao hơn do thời gian pha lâu hơn. Hàm lượng caffeine cũng thay đổi tùy theo lượng cà phê được sử dụng, vì vậy điều quan trọng là phải xem xét phương pháp pha chế cụ thể và loại cà phê khi so sánh hàm lượng caffeine.
Cà phê nóng và cà phê lạnh: Loại nào tốt hơn?
Mùi thơm của cà phê nóng khi mới pha có thể có tác dụng xoa dịu và giúp giảm căng thẳng. (Ảnh: ITN)
Cà phê nóng được biết đến với rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ, cà phê nóng thường chứa nhiều chất chống oxy hóa hơn cà phê pha lạnh, giúp chống lại stress oxy hóa và viêm nhiễm, có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh.
Mùi thơm của cà phê nóng khi mới pha có thể có tác dụng xoa dịu và giúp giảm căng thẳng. Ngoài ra, hơi ấm của cà phê nóng mang lại cảm giác thoải mái, đặc biệt là trong thời tiết mát mẻ hơn và có thể giúp nâng cao tâm trạng của bạn.
Tiến sĩ Batra gợi ý: “Uống một tách cà phê nóng không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu và thoải mái mà còn có thể giúp tăng cường năng lượng và khởi đầu ngày mới của bạn”.
Mặt khác, cà phê lạnh lại có những ưu điểm riêng. Đối với những người có dạ dày nhạy cảm hoặc dễ bị trào ngược axit, cà phê lạnh ít gây khó chịu hơn so với uống cà phê nóng.
Tiến sĩ Batra giải thích: “Hàm lượng caffeine thấp hơn khiến nó trở thành lựa chọn phù hợp cho những người nhạy cảm với caffeine hoặc muốn hạn chế tiêu thụ”.
Hơn nữa, cà phê lạnh có thể được pha chế nhanh chóng, thuận tiện cho cuộc sống bận rộn. Đồ uống giải khát này thường được thưởng thức vào những ngày nắng nóng.
Cuối cùng, việc lựa chọn giữa cà phê nóng và lạnh phần lớn phụ thuộc vào lựa chọn hoặc sở thích cá nhân, điều kiện thời tiết và các mối quan tâm về sức khỏe.
Nếu bạn muốn đạt được lợi ích chống oxy hóa, giảm căng thẳng và trải nghiệm ấm áp, cà phê nóng có thể thích hợp hơn. Mặt khác, nếu bạn ưu tiên sự thoải mái cho hệ tiêu hóa, giảm lượng caffeine và thứ gì đó dễ pha chế, cà phê lạnh là lựa chọn tốt hơn.
Cả hai loại đều có ưu điểm là tăng cường caffeine nhưng chúng mang lại những trải nghiệm khác biệt do sự khác biệt về nhiệt độ và phương pháp pha cà phê. Vì vậy, vấn đề là tìm ra điều gì phù hợp nhất với lối sống và mối quan tâm về sức khỏe của bạn.
Lượng cà phê nên uống trong một ngày
Cà phê lạnh có thể được pha chế nhanh chóng, thuận tiện cho cuộc sống bận rộn. (Ảnh: ITN)
Đối với những người trưởng thành khỏe mạnh, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) coi lượng lên tới 400 miligam caffeine mỗi ngày - khoảng 4 đến 5 tách cà phê nói chung là an toàn và không có khả năng gây ra tác dụng phụ.
Tuy nhiên, độ nhạy cảm của mỗi cá nhân đối với caffeine là khác nhau, cũng như tốc độ chuyển hóa nó trong mỗi người.
Một số tình trạng sức khỏe và thuốc có thể làm tăng độ nhạy cảm với caffeine. Nếu bạn đang mang thai, đang cố gắng thụ thai, đang cho con bú hoặc đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe hoặc thuốc men, FDA khuyên bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêu thụ caffeine.
Dấu hiệu tiêu thụ quá nhiều caffeine
Nếu bạn uống nhiều caffeine hơn mức cơ thể chịu đựng được, bạn có thể gặp phải tình trạng:
- Mất ngủ
- Bồn chồn
- Nhịp tim nhanh
- Lo lắng
- Đau bụng
- Buồn nôn hoặc chóng mặt
- Đau đầu
Nếu bạn nhận thấy những triệu chứng kể trên sau khi uống cà phê, bạn có thể nhạy cảm với caffeine và nên cân nhắc việc giảm lượng tiêu thụ hoặc tránh hoàn toàn.