Bạn cần biết

Cách đơn giản giúp người đau dạ dày sống vui, sống khỏe

Admin

Đau dạ dày cần được chăm sóc và điều trị đúng cách bởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, viêm thực quản, thậm chí là ung thư dạ dày... Bệnh có liên quan mật thiết đến thức ăn, vệ sinh ăn uống và trạng thái thần kinh.

 Ảnh minh họa

Chỉnh dinh dưỡng chống đau dạ dày

Bác sĩ Trần Anh Tuấn, Bệnh viện K, cho biết đau dạ dày là một trong các bệnh phổ biến nhất hiện nay. Nguyên nhân gồm bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, stress và đặc biệt là thói quen ăn uống, sinh hoạt...

Ăn thức ăn nóng quá hoặc lạnh quá, nhai không kỹ hoặc thức ăn bị nhiễm khuẩn, do uống hoặc nuốt phải các chất axit, kiềm; do rượu; nuốt phải dị vật, gây trầy xước dạ dày...

Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng đầy bụng, ăn khó tiêu, đau vùng thượng vị, có thể đau lan ra hông sườn, ợ hơi, ợ chua, buồn nôn. Khi bị bệnh, bên cạnh điều trị bằng thuốc, cần phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, nếu chế độ dinh dưỡng không thích hợp thì việc điều trị sẽ khó có hiệu quả.

Trọng tâm của chế độ dinh dưỡng là làm giảm lượng dịch vị. Do đó, không nên để quá đói hoặc ăn quá no. Khi ăn nên nhai kỹ, vì trong khi nhai có thể tăng thêm sự bài tiết của nước bọt, có tác dụng giảm axit và bão hòa axit trong dạ dày.

Ăn phải đảm bảo các chất cần thiết: protein, lipit, gluxit, vitamin... nghĩa là thực đơn hằng ngày cần có đủ thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và hoa quả.

Đối với người bị đau dạ dày mạn tính cần bổ sung một số vitamin trong khẩn phần ăn như: vitamin A, vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin A có tính oxy hóa cao làm giảm tiết dịch vị.

Cần tạo thói quen ăn đúng giờ. Khoảng cách giữa bữa sáng, trưa, tối cách nhau khoảng 5 tiếng. Với thời gian đó, đảm bảo dạ dày không còn no nhưng cũng chưa đến mức quá đói.

Riêng bữa tối nên ăn cách giờ đi ngủ ba tiếng. Trong thực đơn các bữa cơm tối thường cố gắng hạn chế các đồ rán, nướng, hun khói hay đồ biển.

Hạn chế mở ti vi trong bữa ăn, không vừa ăn vừa đọc sách báo và không đem những căng thẳng vào bữa ăn. Sau bữa ăn, tối thiểu nghỉ nửa giờ mới nên làm việc.

Đối với những người bị viêm dạ dày, cần hạn chế các rau củ có độ axit cao như: chanh, cam, bưởi chua, giấm, tương ớt...; tránh các thực phẩm sinh hơi nhiều: hành, dưa muối, các loại đậu đỗ...; không nên dùng các loại thực phẩm dễ làm tổn thương niêm mạc dạ dày như rượu, bia, ớt, tỏi, trà...

Tránh ăn thức ăn cứng, thô ráp và có nhiều xơ, như các loại quả khô, lương thực cứng, rau cần, hẹ, rau dưa, măng... vì những thức ăn này khó tiêu hóa, kích thích và làm hỏng niêm mạc dạ dày khiến chỗ loét khó lành, thậm chí càng loét nặng thêm.

Nên dùng thức ăn gây tiết ít dịch vị, bảo vệ niêm mạc dạ dày: các chất ngọt, béo, nếp, gạo, sữa, bánh mì. Ngoài ra, những người bị đau dạ dày luôn phải giữ tinh thần luôn vui vẻ, gây dựng thói quen tốt trong sinh hoạt, không nên để quá mệt mỏi và căng thẳng, không nên hút thuốc lá và uống rượu...

Thay đổi thói quen để khỏe mạnh

Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn - giảng viên Trường đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) - nhấn mạnh, để tránh biến chứng nghiêm trọng của bệnh đau dày, có thể sống vui, sống khỏe với bệnh hãy thực hiện:

- Không nên ăn lạnh: Bởi vì bệnh nhân loét, viêm dạ dày có chức năng tiêu hóa kém, khi ăn lạnh dễ bị kích thích đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến tiêu hóa khiến bệnh nặng hơn.

Nước lạnh cũng dễ kích thích khiến nhu động đường tiêu hóa tăng nhanh, ảnh hưởng đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể. Người già bị rối loạn chức năng tiêu hóa nói chung, khả năng chịu lạnh đã giảm cũng không nên ăn nhiều đồ lạnh để không gây ra các rối loạn tiêu hóa.

- Không tập thể dục ngay sau khi ăn: Sau khi ăn không nên tập thể dục, đặc biệt là với người có bệnh dạ dày. Tốt nhất sau bữa ăn bạn nên nghỉ ngơi để thức ăn có thời gian tiêu hóa, dạ dày có sự tập trung để "làm việc". Vì vậy, nếu muốn đi bộ thì hãy chờ 30 phút sau bữa ăn.

- Nên tránh một vài loại trái cây và rau quả: Trái cây và rau quả rất tốt cho sức khỏe con người, nhưng riêng với bệnh nhân dạ dày cần tránh một số loại thực phẩm. Chẳng hạn như súp lơ xanh và bắp cải, dưa chuột, dưa hấu, dứa, đu đủ xanh.

- Uống trà ấm: Uống trà ấm là một thói quen lý tưởng đối với bệnh nhân dạ dày, nhiệt độ uống tốt là từ 30-32 độ C. Nhiệt độ thấp hơn là lạnh hơn so với dạ dày, dễ gây co thắt mạch máu, dẫn đến phòng vệ của dạ dày giảm, ảnh hưởng tới sức khỏe của nó.

- Massage trước khi đi ngủ: Sau khi ăn tối, trước khi đi ngủ bạn có thể xoa tay của bạn xung quanh rốn 64 vòng theo chiều kim đồng hồ. Kết thúc chà tay của bạn ở vùng bụng dưới. Thao tác đơn giản này không chỉ giúp duy trì trạng thái ổn định cho dạ dày mà còn kích thích dạ dày hoạt động tốt hơn.

Bí quyết giảm trào ngược dạ dày thực quản

Giảm cân (nếu thừa cân) vì béo phì có thể làm tăng mỡ tạng và tăng áp lực ổ bụng và thúc đẩy trào ngược.

Kiêng các thực phẩm làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới như sô cô la, thức ăn chua như hoa quả cam quýt, cà chua, thức ăn gây kích ứng như chứa hành, tỏi, bạc hà; đồ uống kích thích như cà phê, rượu, chè, đồ uống có gas; thức ăn khó tiêu như đồ chiên rán, xào, nhiều dầu mỡ.

Bỏ thuốc lá được chứng minh có thể cải thiện triệu chứng trào ngược vì hút thuốc lá làm giảm áp lực cơ thắt thực quản dưới, dịch dễ dàng trào ngược vào thực quản.

Ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên thay vì các bữa ăn lớn vì ăn quá no có thể gây tăng áp lực cho dạ dày, dẫn tới trào ngược.

Không nên nằm ngay sau khi ăn 2 - 3 tiếng vì khoảng thời gian này thức ăn vẫn nằm trong dạ dày nên có thể dễ dàng trào ngược khi nằm.

Nên nằm tư thế nghiêng trái vì tư thế nằm nghiêng phải khiến dịch trong dạ dày dễ trào qua chỗ nối dạ dày thực quản hơn.

Hạn chế ăn thức ăn (trừ chất lỏng) trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ.

Nâng đầu giường lên 20 - 30cm để hạn chế dịch trào ngược từ dạ dày vào thực quản.

Tránh tư thế cúi người hoặc khom lưng.

Ngủ đủ giấc, tránh stress.

Tác giả: HÀ LINH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ