Bạn cần biết

Cồn nội sinh và cồn do bia rượu có khác nhau?

Lan Anh

Thắc mắc cồn nội sinh và cồn do bia rượu có khác nhau hay không sẽ được chuyên gia giải đáp trong bài viết dưới đây.

Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cồn nội sinh và cồn do bia rượu đều là cồn ethanol. Cồn nội sinh là cồn do cơ thể tự sinh ra, không có bất kỳ tác động khác từ bên ngoài.

Cơ thể mỗi người đều có cồn tự nhiên, dù rất nhỏ. Glucose là nguồn năng lượng ưa thích của nấm men và vi khuẩn. Khi chúng vào cơ thể, quá trình chuyển hóa khác nhau sẽ phát sinh lượng cồn.

Vì vậy, một số người có nồng độ cồn nội sinh, hoặc nồng độ cồn phát sinh sau ăn một số loại thực phẩm thông thường, kể cả trái cây, nước uống hoa quả lên men, socola, một số loại thuốc siro, cảm cúm, dung dịch sát trùng miệng họng, thức ăn tinh bột đường lên men.

Nếu test nồng độ cồn cho kết quả dương tính, bạn vẫn bị coi là vi phạm luật giao thông.

Giải pháp là nên quy định một ngưỡng nồng độ cồn để phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, thông thường, cồn nội sinh trong máu nồng độ cực kỳ thấp. Các phương tiện chuyên dụng, siêu nhạy mới phát hiện dương tính được, còn phương tiện thông thường không đủ để phát hiện.

Bác sĩ Thiệu khuyên, bạn không nên quá lo ngại về nồng độ cồn nội sinh. Tình huống này rất hy hữu, do bệnh lý hoặc cơ địa của từng người, chỉ gặp ở một số người có bệnh lý tiêu hóa, ngưỡng cũng rất nhỏ. Những trường hợp như vậy có thể yêu cầu xét nghiệm máu, kết quả sẽ chính xác tuyệt đối.

Cơ thể mỗi người đều có cồn tự nhiên, dù rất nhỏ. (Ảnh minh họa)

Hàm lượng cồn cao nhất được tìm thấy trong nước nho (0,29-0,86g/L), trong khi các mẫu nước táo khác nhau hơn 10 lần (0,06-0,66g/L) về hàm lượng ethanol. Dữ liệu về nước cam có tỷ lệ thống nhất (0,16-0,73g/L) mặc dù lượng mẫu khá hạn chế.

Một số loại trái cây chín khác như chuối, lê hàm lượng ethanol như sau: Chuối chín 0,02g/100g; chuối chín kỹ 0,04g/100g; lê chín 0,04g/100g.

Trong bánh mì và các sản phẩm bánh mì, hàm lượng ethanol cao nhất có trong hai sản phẩm bánh mì cuộn đóng gói là bánh mì kẹp thịt (1,28g/L) và bánh mì cuộn sữa (1,21g/L). Trong các loại sản phẩm bánh mì thông thường khác mức độ thấp hơn nhưng có thể phát hiện được hàm lượng ethanol (0,14-0,29g/L).

Một số thực phẩm có thể sinh ra nồng độ cồn trong hơi thở bạn như sầu riêng (loại quả này có hàm lượng đường rất lớn, chín nhanh, lên men nhanh), vải, nhãn (đây cũng là hai loại quả dễ lên men nhất), món ăn nấu dạng sốt vang.

Ngoài ra còn nhiều loại hoa quả khác có thể làm tăng nồng độ cồn trong hơi thở như dứa, thanh long. Thực tế các loại hoa quả nhiều đường như sầu riêng, mít, chuối tiêu, chôm chôm đều có thể lên men tự nhiên và sinh ra cồn. Tuy nhiên, lượng cồn này chỉ ở trong miệng, qua hơi thở không có trong máu. Thời gian hết nồng độ cồn trong vòng khoảng 15-30 phút tùy lượng bạn ăn.

“Số ít người bị hội chứng trào ngược dạ dày thực quản hoặc những người mắc hội chứng tự sinh rượu cũng có thể có kết quả dương tính khi kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở.

Các sản phẩm đồ uống có cồn từ hoa quả cũng có thể làm tăng nồng độ cồn trong máu. Dù không xếp vào rượu bia nhưng đây là thực phẩm xếp vào đồ uống có cồn, do đó, người dân nên thận trọng”, bác sĩ Thiệu nói.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml), 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml), 1 vại bia hơi (330ml), hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.

Với người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì cứ sau một tiếng, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn. Những người chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Các chuyên gia nhận định không thể tính toán tuyệt đối thời gian đào thải cồn vì điều này tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống. Khuyến cáo tốt nhất là không lái xe khi uống rượu để tránh các rủi ro.