Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Nutrients, các nhà khoa học đã đánh giá mối quan hệ giữa tổng lượng carbohydrate tiêu thụ và nguy cơ mắc bệnh gout.
Gout là một rối loạn viêm khớp đặc trưng bởi tình trạng tăng axit uric huyết thanh, bão hòa urat và lắng đọng các tinh thể urat mononatri trong các khớp.
Bệnh liên quan đến tình trạng mãn tính như bệnh tim mạch, huyết khối tĩnh mạch và hội chứng chuyển hóa. Chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng trong nguyên nhân gây bệnh gout.
Nghiên cứu cho thấy, một số loại carbohydrate nhất định, như fructose, nước ép trái cây và đồ uống có đường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu ảnh hưởng của lượng carbohydrate, loại và nguồn carbohydrate kết hợp với tình trạng dễ bị tổn thương do di truyền của từng cá nhân đối với nguy cơ phát triển bệnh gout.
Nghiên cứu bao gồm 187.387 người tham gia từ 40 - 69. Những người này đã hoàn thành một hoặc nhiều đánh giá về chế độ ăn uống. Các chuyên gia đã đo cân nặng và chiều cao của người tham gia.
Đồng thời, thu thập các mẫu huyết thanh và nước tiểu từ năm 2006 - 2010. Người tham gia cũng trả lời các bảng câu hỏi về đặc điểm xã hội và thói quen sống.
Các loại carbohydrate được phân tích bao gồm tinh bột, chất xơ và tổng lượng đường, được chia thành các loại đường tự do và không tự do.
Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan mạnh giữa tổng lượng carbohydrate, đường và tinh bột. Trong hơn 12 năm (trung bình) theo dõi, 2.548 người tham gia đã mắc bệnh gout.
Kết quả cho thấy, carbohydrate có nguồn gốc từ 6 nhóm tinh bột và chất xơ được phân tích làm giảm nguy cơ gout từ 10 - 30%. Trong khi đó, carbohydrate từ đường lại làm tăng nguy cơ 20%.