Bạn cần biết

Nhận diện dấu hiệu trầm cảm

Admin

Thời gian qua, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên có chấn động về tâm lý, rối loạn trầm cảm...

 Trẻ vị thành niên thăm khám tại Khoa Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương). Ảnh: BVCC.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử. Tại Việt Nam, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên cũng đang ngày càng gia tăng và nguyên nhân dẫn đến tự tử ở lứa tuổi này phần lớn là do hội chứng trầm cảm.

BS Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh. Ước tính có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm, tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. Tuy nhiên, tại nước ta, tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng.

Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi trung ương) đã tiến hành nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở tại Hà Nội (từ lớp 6 đến lớp 9) cho thấy, các biểu hiện lo âu ở trẻ chiếm tỷ lệ 38%, tiếp theo là căng thẳng với 33% và trầm cảm là 26,1%. Đồng thời, số lượng bệnh nhân ở độ tuổi vị thành niên tới thăm khám tại các cơ sở y tế như Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Nhi trung ương cũng có sự gia tăng đáng kể theo từng năm.

Trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Về mặt sinh học có thể là do di truyền, thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ hay thay đổi nồng độ hormone.

Theo BS Vân, có thể trẻ bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội. Bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu hoặc do lối sống không lành mạnh. Những sự kiện tiêu cực trong đời sống, như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát đều có liên quan đến sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em. Tuy nhiên, sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn mà những sự kiện căng thẳng nhỏ trong đời sống như phải bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm... cũng có thể gây nên các triệu chứng của trầm cảm. Ngoài ra, di truyền cũng là yếu tố tăng nguy cơ trầm cảm ở trẻ.

Rất ít gia đình nhận ra trầm cảm ở trẻ mà cho rằng trẻ nhút nhát, lười biếng, cứng đầu, không biết nghe lời… Để nhận biết trẻ có bị trầm cảm hay không, trước hết, cần xem xét trẻ học tập và hoạt động có khác thường, kém đi so với trước đó không. Phần lớn trẻ em, thanh thiếu niên mắc trầm cảm thường có triệu chứng điển hình như cảm giác buồn bã, lo âu, mất hoặc giảm hứng thú với sở thích và hoạt động trước đây; giảm năng lượng, mệt mỏi, khó tập trung, không tiếp thu được trong học tập; mất ngủ, thức giấc sớm, ác mộng hoặc ngủ nhiều; ăn không ngon miệng và giảm cân hoặc ăn quá nhiều và tăng cân...

BS Nguyễn Minh Quyết - Khoa Tâm thần (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, trầm cảm hiện tại là rối loạn có thể điều trị ổn định được. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu trầm cảm, gia đình nên đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Các biện pháp điều trị bao gồm điều trị thuốc, liệu pháp tâm lý và giáo dục cho trẻ và gia đình. Tùy thuộc chẩn đoán và mức độ trầm cảm, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp về lựa chọn điều trị.

Cần có sự tham gia hỗ trợ của nhà trường trong việc phát hiện sớm, giáo dục kiến thức, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm. Đối với những trẻ có biểu hiện có ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát, cần loại bỏ những vật sắc nhọn hoặc dây thừng trong môi trường xung quanh trẻ và luôn có sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Ước tính có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm, khiến trầm cảm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ bệnh nhân mắc trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên ở nước ta đang ngày càng gia tăng.

Tác giả: Đức Trân

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết