|
Huyện An Dương được tái lập với 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn. Huyện ở ven đô, phía tây bắc TP Hải Phòng, là đầu mối giao thông quan trọng của cực tăng trưởng kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh.15 năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong huyện, huyện An Dương đã phát triển mạnh mẽ.
Từ một huyện kinh tế thuần nông khi mới tái lập, đến nay huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh. Kinh tế tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ -nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển nhanh, mạnh mẽ, góp phần cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Ban Thường vụ Huyện ủy An Dương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành phát huy lợi thế của huyện ven đô có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng cường huy động mọi nguồn lực, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn, xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mỗi năm, huyện huy động tổng vốn đầu tư trong nước đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, năm sau cao hơn năm trước (năm 2006 đạt 1.108 tỷ đồng, năm 2013 đạt 3.239 tỷ đồng, năm 2017 đạt 3.704 tỷ đồng).
Huyện tranh thủ sự phối hợp, giúp đỡ của các Sở, ban, ngành thành phố, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị chung cũng như thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trên cơ sở đó, đề xuất thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư, chỉ đạo khắc phục, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng, chương trình xây dựng NTM...
Trong thu hút đầu tư trước năm 2003, trên địa bàn huyện chỉ có khu công nghiệp (KCN) Nomura Hải Phòng. Từ năm 2003 đến nay, huyện có thêm 6 khu, cụm công nghiệp gồm: Các KCN An Dương, Tràng Duệ, các cụm công nghiệp An Đồng, Nam Sơn, Đò Nống, An Hồng với tổng diện tích hơn 1.600 ha. Đây là môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo đà cho phát triển các dịch vụ công nghiệp phụ trợ, vận tải, thương mại, nhà trọ, điện… trên địa bàn.
Các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế được khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao. Huyện khai thác, huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, ưu tiên các công trình: Thuỷ lợi, đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch, công trình văn hoá, thông tin, thể thao...
Đến hết năm 2017, toàn huyện có 29 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 56,86% số trường. Trong đó, có 3 xã đạt chuẩn quốc gia cả 3 bậc học: Mầm non, tiểu học và THCS). 100% trường học được nối mạng Internet, có máy vi tính...Quốc phòng-an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội được quan tâm tổ chức triển khai, đạt nhiều kết quả.
Phát huy kết quả đạt được sau 15 năm tái lập, huyện An Dương tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư phát triển các làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làng nghề truyền thống, xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hoá, xây dựng thương hiệu.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác quy hoạch, quản lý đất đai, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp. Huyện huy động các nguồn lực hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đối với 6 xã (An Đồng, Quốc Tuấn, Lê Thiện, Bắc Sơn, Đại Bản, Hồng Phong), hoàn thành xây dựng huyện NTM.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân giai đoạn 2003-2018 ước đạt 7,78%; hoàn thành vượt mức hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được tăng cường; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng cơ bản, thương mại dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, huyện tích cực chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Năm 2003, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 661,5 tỷ đồng, năm 2013 đạt 883,5 tỷ đồng. Năng suất lúa bình quân tăng cao, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đến năm 2017 ước đạt gần 150 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình, sản xuất có hiệu quả kinh tế cao được hình thành, một số sản phẩm tạo được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài thành phố như rau an toàn, hoa, cây cảnh chất lượng cao...Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng cơ bản trên địa bàn tăng từ 6.718 tỷ đồng (năm 2003) tăng lên 24.885 tỷ đồng (năm 2017). |