Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, để tăng độ thơm ngon, nhiều gia đình dùng rượu mạnh, rượu vang, bia để chế biến các món như gà, chân giò hầm rượu, hải sản hấp bia.
Những món sử dụng rượu bia làm gia vị đều có thể khiến hơi thở có cồn. Đơn cử như một số món thủy, hải sản như cá hấp bia, lẩu bò nhúng giấm, bò sốt vang; món dùng rượu mạnh, rượu vang để chế biến như gà, chân giò hầm rượu.
Mặc dù tiêu thụ những thực phẩm này không ảnh hưởng đến điều khiển phương tiện giao thông nhưng vẫn khiến hơi thở có nồng độ cồn, dù không đáng kể. Khoảng 30 phút sau khi ăn hoặc khi uống nhiều nước lọc, cơ thể sẽ đào thải hết cồn.
Chúng ta không thể tính toán chính xác bao nhiêu lâu sau khi ăn thực phẩm chứa cồn, uống rượu bia sẽ hết cồn trong hơi thở, máu, vì hàm lượng này tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống.
Ví dụ, người ăn rất nhiều rồi mới uống bia. Khi đó, bia được hấp thu 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Theo quy định, khi bạn lái xe tham gia giao thông, nồng độ cồn phải bằng 0. Nếu bạn ăn thực phẩm hấp bia, rượu và lực lượng chức năng thổi nồng độ cồn, bạn có thể xin thổi lại sau 15 phút nghỉ ngơi, uống thêm nước.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml), 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml), 1 vại bia hơi (330ml), hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Với người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì cứ sau một tiếng, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn. Những người chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Các chuyên gia nhận định không thể tính toán tuyệt đối thời gian đào thải cồn vì tùy vào cơ thể mỗi người và cách ăn uống. Khuyến cáo tốt nhất là không lái xe khi uống rượu để tránh các rủi ro.