Ăn ngọt có thật sự là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường?

Thành Trịnh
Bệnh tiểu đường đến từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, việc thường xuyên ăn đồ ngọt chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ.

do-ngot-1-1728354868.PNG

Ăn nhiều đường là một trong các yếu tố nguy cơ dẫn đến đái tháo đường. Ảnh: Pexels.

Theo TS.BS Nguyễn Vinh Quang, Trưởng khoa Nội tiết, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, insulin là hormone được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò vận chuyển glucose trong máu vào tế bào.

Khi tuyến tụy sản xuất không đủ insulin hoặc tế bào đề kháng insulin sẽ dẫn đến tình trạng glucose vẫn tồn tại trong máu. Lượng đường trong máu cao là tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh tiểu đường (đái tháo đường).

Có hai loại bệnh tiểu đường chính là:

Tiểu đường type 1: Chỉ chiếm 5-10% tổng số các trường hợp tiểu đường. Nguyên nhân chủ yếu là do di truyền, hệ thống miễn dịch phá hủy tế bào beta tụy làm tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin.

Tiểu đường type 2: Chiếm 90-95% tổng số các trường hợp tiểu đường. Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tiểu đường type 2 xảy ra khi tuyến tụy bị tổn thương và không sản xuất đủ insulin hoặc do các tế bào giảm khả năng đáp ứng với insulin.

Ăn nhiều đường có thể dẫn đến tiểu đường?

Căn cứ vào tên bệnh, nhiều người nghĩ rằng tiểu đường là do ăn nhiều đường. Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố gây ra bệnh tiểu đường. Trong đó, việc tiêu thụ nhiều đường chỉ là một trong các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, không phải tất cả loại đường đều gây hại cho sức khỏe.

Đường ăn

Đường ăn (sucrose) được sử dụng rộng rãi để nấu ăn, pha nước uống. Sucrose là đường đơn giản, với cấu trúc chỉ một phân tử glucose và một phân tử fructose. Do đó, nó dễ dàng được phân tách bởi enzym tại ruột non trước khi đi vào máu.

Khi đường có trong máu, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin để đưa glucose vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Trong khi đó, phần lớn fructose được đưa đến gan, nơi nó được chuyển hóa thành glucose hoặc chất béo.

Khi hàm lượng fructose tăng sẽ có tác động tiêu cực lên gan, làm gan nhiễm mỡ, gây ra tình trạng viêm và kháng insulin. Những điều này sẽ khiến tuyến tụy sản xuất insulin bất thường, gây ra bệnh tiểu đường type 2.

Nếu ăn lượng đường quá mức cơ thể cần thì fructose dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo và lưu trữ dưới dạng mỡ cơ thể, gây thừa cân béo phì. Đây cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường.

Đường tự nhiên

Đường tự nhiên là đường không qua sản xuất hay chế biến, có sẵn trong trái cây và rau củ quả. Loại đường này có cấu trúc hóa học phức tạp hơn, bao gồm cả chất xơ, nước, chất chống oxy hóa và các thành phần dinh dưỡng khác. Do đó, các enzym ở ruột non mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và hấp thụ chúng.

Đường tự nhiên không gây đột biến đường huyết. Bản thân trái cây, rau củ cũng chứa ít đường hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm chứa đường đã qua chế biến. Ăn nhiều trái cây mỗi ngày còn có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường.

Nước ép trái cây

Nước ép trái cây vốn không tốt bằng trái cây tươi. Trong quá trình ép, chất xơ và một số thành phần dinh dưỡng khác trong trái cây đã bị loại bỏ. Ngược lại, lượng đường vẫn giữ nguyên.

Đa số mọi người khi uống nước ép trái cây đều thêm đường hoặc sữa. Điều này cũng có thể làm tăng lượng đường trong máu dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.

Chất ngọt tự nhiên

Mật ong, nước ép trái cây cô đặc, siro bắp… là những chất ngọt tự nhiên thường được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Dù không gây hại như fructose, chúng cũng được xem là đường tinh khiết và không chứa nhiều dinh dưỡng. Chính vì vậy, bạn không nên lạm dụng loại chất ngọt này.

Chất tạo ngọt tổng hợp

Chất tạo ngọt tổng hợp được sản xuất từ các chất hữu cơ và vô cơ trong nhà máy. Chúng thường được sử dụng ở những người bị tiểu đường và béo phì như một cách thay thế cho đường sucrose. Chất tạo ngọt tổng hợp được tạo ra hoàn toàn nhân tạo nên không phân hủy trong quá trình tiêu hóa, cũng không thể chuyển hóa thành năng lượng.

Loại chất ngọt này không làm tăng lượng đường trong máu, nhưng chúng cũng có liên quan đến bệnh tiểu đường type 2. Chất tạo ngọt tổng hợp gây ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thèm ăn ngọt. Một số nghiên cứu còn phát hiện chúng có thể làm ảnh hưởng đến quá trình dung nạp glucose và hấp thu chất dinh dưỡng.

Ăn thế nào để hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

Để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tiểu đường, điều đầu tiên cần làm là hạn chế đường ra khỏi chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, cần tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và giữ cân nặng hợp lý.

Khi chọn lựa thực phẩm, bạn nên tuân thủ một số nguyên tắc sau:

Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt

Ăn nhiều trái cây, rau củ, đặc biệt là các loại rau lá xanh

Hạn chế uống rượu

Không hút thuốc lá

Hạn chế bánh kẹo, bánh ngọt nhiều đường và nước ngọt, kể cả thực phẩm có chất ngọt tự nhiên

Tập thói quen đọc thành phần dinh dưỡng của các loại thực phẩm chế biến. Lưu ý rằng đường có thể được ghi với nhiều loại tên gọi khác nhau trên nhãn sản phẩm.

Chỉ tiêu thụ đường bổ sung dưới 10% tổng năng lượng được hấp thu vào cơ thể theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.