An toàn thực phẩm: Hướng đi mới cho các start-up Việt

Lợi Trần
Lĩnh vực an toàn thực phẩm tuy còn khá mới mẻ, nhưng nếu các bạn trẻ dám dấn thân thì đây sẽ là một ý tưởng khởi nghiệp đột phá, không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng start-up mà còn cho toàn xã hội.

Lĩnh vực “lạ” cho ý tưởng start-up?

Trong 3 năm trở lại đây, làn sóng khởi nghiệp tại nước ta đang ngày một lớn mạnh. Chưa bao giờ cụm từ “start-up” lại trở nên quen thuộc và hấp dẫn đến thế với những bạn trẻ đang bước vào giai đoạn khởi tạo sự nghiệp. Xu hướng chung của cộng đồng start-up Việt Nam hiện đang chú trọng vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, giáo dục hoặc du lịch… Điều này khiến cho sự cạnh tranh trên các thị trường này trở nên vô cùng khốc liệt.

Trong bối cảnh đó, ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tuy còn mới mẻ và xa lạ, nhưng không hề ít tiềm năng bởi đây là vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Chưa bao giờ câu chuyện bữa cơm sạch lại nhức nhối như hiện nay, khi mà người tiêu dùng gặp rất nhiều khó khăn để tìm được những mặt hàng đảm bảo chất lượng cho bữa ăn hàng ngày. Những dự án trong lĩnh vực an toàn thực phẩm vào lúc này sẽ đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng.

Chia sẻ về ý tưởng này, ông Phạm Minh Tuấn, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA cho rằng trong bối cảnh thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường, và gần đây là việc cá chết hàng loạt ở miền Trung có nguy cơ len lỏi vào những bữa cơm gia đình, có thể tin rằng sẽ có các start-up Việt thông minh, sáng tạo tìm ra những giải pháp hiệu quả để áp dụng rộng rãi, giúp ích thiết thực cho hàng triệu đồng bào. “Cá nhân tôi, và chắc chắn nhiều nhà đầu tư khác rất mong được hỗ trợ vốn cho một số start-up như vậy.”

 

Ông Phạm Minh Tuấn, người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp Công nghệ Giáo dục TOPICA.


Bên cạnh đó, đây còn là thời điểm các công nghệ về kiểm nghiệm nhanh và quản lý an toàn thực phẩm được quan tâm, nghiên cứu rộng rãi trên toàn thế giới và đã được nhiều nước đưa vào ứng dụng. Trong đó có thể kể đến dự án Pressage Analytics nghiên cứu công nghệ phân tích dữ liệu môi trường giúp các nhà máy chế biến thực phẩm theo dõi thành phần nhiễm khuẩn trong sản phẩm. Hoặc dự án Ancera nhận được đầu tư 8.9 triệu USD để phát triển và thương mại hóa thiết bị kiểm nghiệm dựa trên công nghệ từ tính để phân tích hình thái và tín hiệu phân tử với độ phân giải tế bào đơn trực tiếp trong các mẫu sản phẩm phức tạp khác nhau (từ rau quả, thịt gia cầm cho đến phân bón), làm cơ sở xác định chủng loại của vi sinh vật gây bệnh chỉ trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Hay dự án ProteoSense LLC, ứng dụng phân tích các protein đặc trưng của mầm bệnh để nhanh chóng phát hiện nguy cơ nhiễm salmonella, E.coli và listeria trong các sản phẩm tươi sống chỉ với một thiết bị cầm tay. Với những thành tựu khoa học – công nghệ vượt bậc như vậy, các start-up Việt sẽ gặp nhiều thuận lợi để phát triển các mô hình khởi nghiệp có thể ứng dụng tốt với điều kiện thị trường trong nước ta.

Tiềm năng đi kèm với thách thức

Mặc dù có nhiều điều kiện trong và ngoài nước thích hợp cho các start-up phát triển ý tưởng này, những khó khăn đi kèm cũng không nhỏ. Đầu tiên phải kể đến việc tiếp thu và ứng dụng công nghệ an toàn thực phẩm sao cho phù hợp với tình hình trong nước sẽ cần nhiều thời gian và chi phí đầu tư lớn. Đây lại là một mảng công nghệ đặc thù và chuyên biệt, vì vậy đòi hỏi phải có nhân lực chuyên môn cao để vận hành, thẩm định và hỗ trợ chiến lược phát triển cho các dự án.

 

Thực phẩm sạch hiện là nhu cầu cấp thiết của cộng đồng


Thêm vào đó, trước vấn nạn thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn “vàng thau lẫn lộn” trên thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi vượt qua giai đoạn triển khai ban đầu, cũng sẽ phải tiếp tục đương đầu với thách thức trong việc gây dựng niềm tin và với người tiêu dùng.

Tuy vậy, đây vẫn là một lĩnh vực đáng thử sức cho cộng đồng start-up bởi nếu thành công, nó sẽ có nhiều ý nghĩa vô cùng to lớn. Không riêng gì người tiêu dùng được hưởng lợi. mà ngay cả những người nông dân, ngư dân và các đơn vị kinh doanh đang làm ăn chân chính cũng sẽ yên tâm hơn trong việc nỗ lực đem những sản phẩm an toàn, chất lượng ra thị trường.

Sát cánh cùng cộng đồng khởi nghiệp

Để ý tưởng này có thể trở thành hiện thưc thì chỉ một mình đội ngũ startup là không đủ để “cáng đáng” một dự án phức tạp và đầy thách thức như vậy. Bên cạnh sự giúp đỡ của các nhà đầu tư, tư vấn phát triển kinh doanh, sự đồng hành của các đơn vị khoa học – công nghệ uy tín trong nước cũng có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các đơn vị này có thể góp phần hỗ trợ các start-up về chuyên môn trong công tác giám định chất lượng thực phẩm, đánh giá và giám sát tính chính xác cũng như tính khả thi của một công nghệ mới, và hơn nữa là tư vấn để làm sao các doanh nghiệp khởi nghiệp nhanh chóng đưa các công nghệ này đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Hàn Giang, trưởng phòng Nghiên cứu và Triển khai, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE), chia sẻ: “Dự đoán trước xu thể phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai nói chung và sự ra đời của nhiều doanh nghiệp nói riêng, cùng với những thách thức có thể xảy ra, CASE sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để “biến” những ý tưởng độc đáo thành hiện thực. Những ý tưởng này đã cho ra đời phòng Nghiên cứu và Triển khai. Bên cạnh chức năng tư vấn, phòng còn có nhiệm vu “đi trước đón đầu” và là đơn vị chủ lực để giải quyết những vấn đề “nóng” của xã hội.”

CASE sẵn lòng ủng hộ các ý tưởng start-up thiết thực để vừa là rào cản vững chắc ngăn chặn thực phẩm bẩn và những nguy hiểm tiềm ẩn đe dọa sức khỏe người dân, đồng thời định hướng, tư vấn các dự án để đi đến thành công và góp phần mang những sản phẩm an toàn và thân thiện đến cho cộng đồng.

Tác giả bài viết: P. Khắc