Ảnh hưởng của Formosa Hà Tĩnh dưới góc nhìn tiến sĩ địa chất

Lợi Trần
"Có thể mục tiêu của Formosa Hà Tĩnh là hướng vào sử dụng quặng từ mỏ sắt Thạch Khê, một mỏ được đánh giá có trữ lượng rất lớn và chất lượng rất tốt".
Trong suốt thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Điểm lại những thông tin chính về vụ việc, có thể thấy, bắt đầu từ tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, môi trường biển; làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, các bộ, ban ngành, các nhà khoa học, chính quyền địa phương đã vào cuộc một cách có trách nhiệm. Ngày 28/6/2016, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã phải thừa nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường. Công ty đã công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng. Đồng thời cam kết thực hiện việc bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương 500 triệu USD. Cam kết khắc phục và không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước.
 

Ảnh hưởng dự án đầu tư Formosa dưới góc nhìn của tiến sĩ địa chất

Môi trường biển bị ảnh hưởng liên quan đến Formosa Hà Tĩnh đã quá rõ ràng. Tuy nhiên, dưới một góc nhìn của nhà khoa học chuyên nghiên cứu về địa chất, tiến sĩ Lê Huy Y,  nguyên Giám đốc Liên hiệp Khoa học địa chất và du lịch, thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam đã gửi đến Kiến Thức những thông tin đắt giá, hé lộ nhiều nội dung mới liên quan đến dự án của Formosa.

Theo tiến sĩ Lê Huy Y, Formosa được các nhà hoạch định ưu đãi cho thuê đất lên tới 70 năm và có thể mục tiêu của dự án này là hướng vào sử dụng quặng từ mỏ sắt Thạch Khê, một mỏ được đánh giá có trữ lượng rất lớn và chất lượng rất tốt thuộc hạng nhất Đông Nam Á.

“Về mỏ sắt Thạch Khê, từ năm 1982 – 1983, tại trường Đại học thăm dò địa chất Matxcơva, trên cơ sở các tài liệu địa vật lý và khoan thăm dò, tác giả đã xây dựng Mô hình địa chất vật lý mỏ sắt Thạch khê bằng cách giải bài toán thân 3 chiều trên máy tính điện tử. Kết quả cho thấy mỏ sắt Thạch Khê gồm 2 thân quặng gốc (chứ không phải có thân quặng lăn ở phía Bắc như nhiều tài liệu nói). Cụ thể, thân quặng phía Bắc nằm sát phía Nam khối Granit Nam Giới, gồm nhiều tảng, dăm, cuội quặng sắt lẫn với set, cát, cuội sỏi làm người ta nhầm là quặng lăn (deluvi). Thực ra phải gọi đây là quặng sắt nguồn gốc núi lửa, kiểu dăm, cuội dung nham chứa quặng sắt. Thân quặng trung tâm, chiếm trữ lượng chủ yếu, quặng sắt manhetit với hàm lượng sắt tới 62%. Có thể nói thân quặng này có nguồn gốc núi lửa ngầm, quặng sắt trong lò macma hút nhau do cùng tỷ trọng thành các khối quặng được dung nham núi lửa đẩy lên lấp đầy vào hang karst đá vôi tuổi C-P (hiện tượng Skarn chỉ là biến chất kéo theo khi tiếp xúc của dung nham núi lửa với đá vôi, chứ không tạo ra quặng sắt từ biến chất này). Sau tạo quặng, vùng Trung tâm Thạch Khê lại tiếp tục lún xuống thêm trăm mét để tiếp thu trầm tích Đệ tứ”.
 

Tiến sĩ Lê Huy Y.

Tiến sĩ Lê Huy Y cho rằng: “Phần chủ yếu mỏ sắt Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển hơn trăm mét. Để khai thác nó, cái khó nhất là nước. Sẽ có 2 loại nước chảy vào mỏ khi khai thác: Nước mặt, gồm nước trong lớp cát trầm tích Đệ tứ và nước biển theo tầng cát dày hơn trăm mét ngấm vào. Khai thác càng sâu thì lượng nước này càng lớn. Loại nước này có thể khắc phục bằng rất nhiều betong. Nước ngầm nguồn gốc núi lửa chứa trong các hang động karst, họng núi lửa và các đới đứt gẫy xung quanh có lưu lượng rất lớn. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nước này hút không bao giờ cạn được.

Có lẽ nhiều chục năm sau, khi mà nền kỹ thuật khai thác của nước nhà tiến bộ và nhất là khi quặng sắt trên thế giới trở nên quý hiếm không thể nhập khẩu được hoặc nhập đắt hơn so với quặng sắt khai thác từ mỏ Thạch Khê nhà đầu tư mới chịu mua sắt ở Thạch Khê, chỉ khi đó thì mục tiêu “ Nhất cử lưỡng tiện” của các nhà hoạch định mới thực hiện được”.

Từ đó, tiến sĩ Lê Huy Y đánh giá: “Hiện nay và nhiều năm sau nữa, Formosa muốn hoạt động phải mua sắt của nước ngoài. Việt Nam chỉ là nơi cho thuê đất để sản xuất. Việc luyện thép từ quặng sắt nguồn gốc nội sinh sẽ giải phóng ra rất nhiều chất độc hại tan vào nước thải và chất thải rắn. Nhất là khi nhà đầu tư kết hợp tận thu vàng với hàm lượng không ít hơn vài Gram/tấn quặng sắt (mà bất cứ nhà đầu tư phương Bắc nào sang Việt Nam cũng đều nghĩ đến vàng) thì lượng hóa chất như cyanua, các axit độc và nhiều hóa chất độc vô cơ và hữu cơ sẽ rất nhiều".

“Việc khử độc trong nước thải là rất khó dù rất tốn kém. Mà nhà đầu tư nào cũng chỉ muốn lấy được nhiều tiền dù đã biết là không hợp pháp. Với cách xả nước thải trộm ra biển hoặc thuê những người Việt biến thái tham tiền đổ chất thải rắn ra mọi nơi thì không bao lâu ven biển miền Trung, cả trên bờ và dưới nước sẽ trở thành vùng chết, không có cư dân, không có nuôi trồng đánh bắt thủy sản và du lịch. Trong khi đó, việc xây dựng một nhà máy luyện thép tuy gần một mỏ sắt nhưng còn lâu mới khai thác được, đã và sẽ làm hủy hoại môi trường biển, chấm dứt nghề nuôi và đánh cá ven biển, du lịch tắm biển của đồng bào 4 -5 tỉnh miền Trung. Thủ tướng Chính phủ đã nói: Không đổi môi trường để lấy kinh tế và chúng ta nên nghiên cứu kỹ các vấn đề trên”, Tiến sĩ Lê Huy Y nhấn mạnh.

Những phân tích trên của Tiến sĩ Lê Huy Y là có cơ sở nếu nhìn nhận toàn bộ quá trình đầu tư của dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương (gọi tắt dự án Formosa). Cụ thể, ngày 6/7/2008, dự án Formosa được khởi công giai đoạn 1, gồm: nhà máy liên hợp gang thép, công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng nước sâu Sơn Dương, công suất 30 triệu tấn hàng/năm với tổng số vốn đầu tư 8,9 tỷ USD. Theo kế hoạch, sau khi nhận đủ mặt bằng sạch, chủ đầu tư sẽ tập trung xây dựng khu gang thép dự kiến 3 năm, cụm cầu cảng là 4 năm. Trong giai đoạn 2, Formosa sẽ đầu tư thêm hơn 8 tỷ USD để nâng công suất nhà máy luyện thép lên 15 triệu tấn/năm và công suất cảng lên 60 triệu tấn/năm, giải quyết việc làm khoảng 30.000 lao động.

Trong bài “Triển khai đồng bộ, quyết liệt Dự án trọng điểm Formosa” được đăng tải trên báo Hà Tĩnh khẳng định “Điểm thuận lợi, nhà máy có thể sử dụng quặng mỏ sắt Thạch Khê để sản xuất. Mỏ sắt này có trữ lượng 540 triệu tấn và hàm lượng sắt trên 60% và chỉ cách KKT Vũng áng 64km. Mỏ sắt Thạch Khê hiện đã bóc được 8 triệu m3 đất tầng phủ, và từ năm 2012 trở đi, mỏ này sẽ tiến hành khai thác công nghiệp”.

Giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh

Liên quan đến môi trường biển 4 tỉnh miền Trung sau thảm họa cá chết hàng loạt, sáng 22/8, tại Quảng Trị, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế.

Cổng thông tin điện tử của Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trích đăng một số phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Cụ thể, tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: “Nhận thức rõ trách nhiệm chính trị trước nhân dân đối với yêu cầu cấp bách sớm khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp ngư dân tiếp tục bám biển, bảo đảm sinh kế, an toàn của người dân, phải nhanh chóng điều tra, đánh giá, công bố diễn biến, hiện trạng, chất lượng môi trường biển trong và sau khi xảy ra sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đơn vị khoa học công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng... triển khai “Chương trình quan trắc chất lượng môi trường biển”.

Tổ chức đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại 4 tỉnh miền Trung với một khối lượng công việc rất lớn. Việc triển khai được dựa trên các phương pháp đánh giá hiện đại có tính khoa học cao, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm độ tin cậy. Kết quả quan trắc, khảo sát, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển đã được Hội đồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực: môi trường biển, thủy văn, địa hóa, hóa học và đại diện các Bộ, ngành liên quan và một số chuyên gia trong nước và quốc tế cho ý kiến đánh giá, nhận xét góp ý”.

“Tôi luôn nhận thức được việc công bố biển sạch là rất quan trọng và cần thiết đáp ứng mong mỏi của người dân được biết môi trường biển đã sạch chưa? Vùng biển nào sạch? Vùng biển nào chưa sạch? Nuôi trồng hải sản được chưa? Hải sản an toàn chưa để đảm bảo hoạt động sản xuất, đánh bắt, sinh kế trở lại bình thường. Tại Hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng và nhiệm vụ được giao sẽ công bố báo cáo về đánh giá chất lượng môi trường biển trong và sau sự cố. Tôi đề nghị các Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngay sau hội nghị này tiến hành các bước theo quy định công bố đầy đủ thông tin đáp ứng nguyện vọng chính đáng nêu trên của người dân”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thông tin.

Thời gian tới, cùng với việc theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường biển ven bờ khu vực miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương sẽ triển khai đồng bộ công tác kiểm soát các nguồn thải, giám sát chặt chẽ nguồn phát thải từ Công ty Formosa Hà Tĩnh, kết nối dữ liệu, xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường biển.

Tác giả bài viết: Hải Ninh