Kế hoạch tỷ USD của “táo khuyết”
Theo nguồn tin của Bloomberg, Apple đang “chạy nước rút” trong công cuộc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) từ cuối năm ngoái để bù lại khoảng thời gian đã mất. Bản thân công ty cũng bị bất ngờ trước sự bùng nổ của AI.
Để rút ngắn khoảng cách với các công ty khác, “nhà táo” được cho là sẽ chi 1 tỷ USD mỗi năm để phục vụ cho việc nghiên cứu AI. Không chỉ vậy, công ty còn đang tìm cách tích hợp công nghệ này vào càng nhiều ứng dụng càng tốt.
Siri được ra mắt cùng thời điểm với chiếc iPhone 4S vào năm 2011. Ảnh: Apple |
Nguồn tin cho biết ông John Giannandrea, Phó chủ tịch cấp cao của Apple phụ trách AI và kỹ thuật phần mềm, đang dẫn dắt một đội ngũ phát triển "phiên bản Siri" mới thông minh hơn và được tích hợp sâu với AI. Theo đó, bản lột xác này sẽ được Apple chính thức công bố vào năm 2024.
Bên cạnh đó, một nhóm khác đang được giao nhiệm vụ tích hợp các công nghệ AI vào phiên bản hệ điều hành iOS 18 dành cho iPhone. Sự cải tiến sẽ tập trung vào Siri và ứng dụng Messages.
Người dùng giờ đây sẽ có thể đặt ra những câu hỏi phức tạp và chuyên sâu cho trợ lý ảo. Việc nhắn tin cũng sẽ trở nên thuận tiện hơn nhờ tính năng tự động hoàn thành câu.
Ngoài ra, với Apple Music, ứng dụng này được dự đoán sẽ có thêm tính năng tự động tạo danh sách phát nhạc. Thêm vào đó, các ứng dụng văn phòng như Pages và Keynote cũng được cập nhật thêm tính năng AI, bao gồm việc tự động soạn thảo văn bản và thiết kế slide thuyết trình.
Việc AI được cập nhật sâu vào trong hệ điều hành đã không còn là điều quá xa lạ. Vào tháng 9/2023, Microsoft đã cho ra mắt trợ lý ảo Copilot. Điều đặc biệt là chatbot này sẽ được tích hợp trực tiếp vào hệ điều hành Windows 11 và toàn bộ hệ sinh thái Microsoft 365.
Không chịu kém cạnh, vào đầu tháng 10/2023, Google đã ra mắt dòng điện thoại Pixel 8. Trong đó, điểm nổi bật nhất của của thiết bị này chính là công nghệ AI. Người dùng giờ đây có thể di chuyển vật thể có trong bức ảnh, thay đổi các gương mặt có trong hình, tối ưu hóa chế độ zoom…
Apple đã làm được những gì?
Trước cuộc chạy đua AI chatbot, Apple được cho là có phần “im hơi, lặng tiếng”. Gần đây, nhóm Big 4 của giới công nghệ Mỹ đều đã công bố những sản phẩm của riêng mình. Chẳng hạn như Google có Bard, Microsoft sở hữu Copilot, Facebook là Meta AI.
Trong khi đó, trợ lý ảo Siri của Apple vẫn “dậm chân tại chỗ”. Trong các bản cập nhật hệ điều hành gần đây, tính năng này hầu như không được Apple nhắc tới.
Apple đang thử nghiệm AI chatbot “cây nhà lá vườn” trong phạm vi nội bộ. Ảnh: Apple |
Tuy nhiên, nguồn tin của Bloomberg cho biết Apple đã bắt đầu xây dựng một mô hình ngôn ngữ lớn vào năm ngoái. Hệ thống này đang được hãng sử dụng để nâng cao khả năng xử lý của Siri, công cụ tìm kiếm và ứng dụng bản đồ.
Không chỉ vậy, “táo khuyết” còn tạo ra Apple GPT để nhân viên sử dụng trong nội bộ. Một số nhân viên tiết lộ rằng công cụ này khá tương đồng với Bard, ChatGPT và không sở hữu thêm tính năng mới nào đặc sắc.
Trước đó, trong sự kiện Wonderlust của mình, Apple cho biết họ đã tích hợp sâu yếu tố AI vào các sản phẩm phần cứng mới.
Đối với dòng iPhone 15, “táo khuyết” đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để nâng cấp tính năng chụp ảnh. AI giờ đây có thể xác định vật thể trong hình (người, động vật, đồ vật, cây cảnh…) và tự động bật chế độ chân dung.
Không chỉ vậy, người dùng còn có thể lấy nét vật thể sau khi chụp hình. Đây đều là các tính năng độc quyền trên dòng iPhone mới và được hậu thuẫn bởi yếu tố phần mềm. Điều này được khẳng định thông qua việc các mẫu iPhone 15 thường, dù không được trang bị ống kính tele, nhưng vẫn có thể chụp ảnh chân dung xóa phông không thua kém dòng Pro.
Thậm chí, công nghệ AI còn được “nhà táo” áp dụng trong một thiết bị nhỏ bé như Apple Watch. Cụ thể, với mẫu Series 9, nhân xử lý Neural Engine mới đã có thể chạy các tác vụ học máy nhanh hơn gấp đôi so với thế hệ tiền nhiệm. Nâng cấp này đã giúp các hoạt động của Siri trở nên chính xác hơn 25% so với mẫu đồng hồ trước.
Ngay cả tính năng double tab độc quyền trên Series 9 cũng có sự can thiệp của AI. Đây là tính năng giúp người dùng có thể thực hiện các tác vụ nhanh như trả lời cuộc gọi, tắt báo thức… bằng cách chụm hai đầu ngón tay lại với nhau. Để có thể làm được điều đó, thiết bị sẽ phải ghi nhận những chuyển động nhỏ nhất và các thay đổi trong lưu lượng máu di chuyển trên các ngón tay.
Tác giả: Thanh Vũ
Nguồn tin: Báo Đầu tư