Những ngày qua dư luận cả nước đang rất nóng với câu chuyện dạy thêm, mà cụ thể là "Tối hậu thư của Bí thư Đinh La Thăng về dạy thêm". Theo tôi vấn đề dạy thêm có những nguyên nhân mà không trực tiếp giải quyết thì rất khó để xóa.
Lương trả cào bằng
Về giáo viên những người trực tiếp dạy thêm thì nguyên nhân cơ bản vẫn là đồng lương thấp so với sức lao động của họ. Có rất nhiều bình luận so sánh lương giáo viên và lương công nhân hoặc ngành nghề khác như công chức hay các ngành hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta so sánh chỉ mang tính tương đối bởi vì sản phẩm của các dạng lao động là khác nhau, của giáo viên sản phẩm là con người cụ thể còn của một công nhân là sản phẩm phục vụ đời sống.
Nói như vậy để ta thấy rằng lâu nay ta vẫn còn tư tưởng cào bằng trong lao động để tính lương mà không nhìn vào giá trị của lao động. Chính vì cách tính lương cào bằng như vậy mà trong một thời kỳ ta không phát huy được động lực làm việc của người lao động.
Như vậy vấn đề đặt ra là làm sao để tăng lương giáo viên? Cái này phụ thuộc rất lớn vào ngân sách nhà nước, cân bằng thu chi của Quốc hội..., tôi không bàn đến vì thuộc vào lĩnh vực chuyên sâu. Ở một số nước người ta có quy định rõ dành bao nhiêu ngân sách cho giáo dục. Ở nước ta tỷ lệ đó còn quá thấp. Tuy nhiên có thể giải quyết một phần bằng cách thu học phí của học sinh để bù đắp vào.
Vì sao tôi nói như vậy? Bởi vì cách tính học phí của ta không sát thực tế, tuy có tăng nhưng mà so với mức sống hiện nay thì quá thấp. Thay vì học sinh vừa đóng học phí 70.000 đồng/tháng vừa chi cho 4 môn học thêm 800.000 đồng/tháng thì hãy thu một mức học phí hợp lý để cải thiện mức sống của giáo viên. Tất nhiên ta không thể đánh đồng thu như nhau mà phụ thuộc vào từng vùng từng nơi theo quy định và số ít trong đó là con hộ nghèo... thì đã có chính sách miễn giảm.
Tôi tin rằng khi trả lương xứng đáng cho lao động thì giáo viên chẳng dại gì mà dạy thêm bởi ai chẳng muốn nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả.
Chương trình học quá nặng
Một vấn đề gây nên tình trạng học thêm là nội dung chương trình và cách thi cử của chúng ta. Bản thân là giáo viên tôi thấy chương trình của ta còn nặng; nhiều kiến thức hàn lâm và nhất là khi mỗi lần thi cử Bộ cứ nói là bám sát sách giáo khoa nhưng xin cho nói thẳng nếu ai mà không đi học thêm thì không bao giờ làm được điểm cao.
Với thời lượng 45 phút mỗi tiết học mà chúng ta đòi nhồi nhét vào đầu học sinh rất nhiều kiến thức. Tất cả giáo viên đều biết nhưng chỉ có các cấp lãnh đạo là không biết mà thôi. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng những cuốn sách giáo khoa trước cải cách viết có vẻ rất nhẹ nhàng, sau khi học xong nhóm học sinh như chúng tôi gặp vấn đề là giải quyết được. Còn học sinh bây giờ điều đó là không thể cho dù đó là vấn đề đơn giản nhất.
Nhiều phụ huynh tăng ca, không có thời gian đưa đón con
Ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, thông thường khi học sinh tan ca (17h chiều) lại là thời gian bố mẹ đi làm tăng ca. Vậy một câu hỏi lớn đặt ra là những học sinh tan ca khi ấy sẽ chơi ở chỗ nào? Và thay vì để con chơi game, cha mẹ lại phải dặn cô đón về gửi thầy cô để các thầy cô giáo vừa dạy vừa trông con cho họ.
Có một số ít phụ huynh không phải tăng ca thì muốn nghỉ ngơi sau giờ làm việc nên cũng sẽ mang con tới gửi cho giáo viên. Tôi biết nhiều giáo viên có điều kiện chẳng thích thú gì nhưng bởi vì đó cũng là một cách tăng thu nhập và cũng là giúp phụ huynh.
Thông thường những gia đình công nhân có điều kiện khó khăn lại phải đi gửi con? Có vẻ như là nghịch lý, nhưng sự thật thì không phải nghịch lý đâu vì họ còn phải tăng ca trong giờ con tan trường mà điều kiện thì không cho phép đón ông bà nội ngoại vào trông con. Để giải quyết vấn đề này cần có nỗ lực của rất nhiều bộ ban ngành.
Trên đây là một vài ý kiến cá nhân của tôi để cho các nhà quản lý tham khảo, từ đó có những quyết sách hợp lý nhằm chấm dứt tình trạng học thêm.
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Tuyến