Làm nhiệm vụ cứu người nhưng nhiều y - bác sĩ lại bị chính bệnh nhân và người nhà hành hung. Để rồi, nhiều người phải xót xa và đặt ra câu hỏi: “Tát một nhân viên hàng không, kẻ hành hung bị cấm bay. Tại sao đánh đổ máu nhân viên y tế lại không bị cấm chữa bệnh. Vì sao máu của nhân viên y tế thì không làm ai lay động cả?"
Máu vẫn đổ trên đầu thầy thuốc
Trước đó, vào khoảng 23h đêm 13/4, Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn tiếp nhận một bệnh nhi hơn 7 tuổi có vết thương chảy máu ở vùng thái dương, được người thân đưa vào.
Theo camera ghi lại, trong lúc ngồi trao đổi về hướng xử lý vết thương, người nhà bé trai hỏi liên tục rồi bất ngờ đứng dậy, xông tới đấm vào mặt bác sĩ C. khiến anh không kịp phản ứng. Một nhân viên cùng khoa chạy vào can ngăn liền bị người đàn ông này chửi mắng, tấn công. Chỉ khi lực lượng bảo vệ và công an phường Điện Biện, quận Ba Đình có mặt, người này mới chịu dừng. Người này còn tự rút hết tiền trong ví vứt lên bàn để "tạo hiện trường giả" phải lót tay bác sĩ.
Bác sĩ C. ngay sau đó đã được đồng nghiệp đưa đi kiểm tra sức khoẻ. Rất may là bác sĩ C. không bị tổn thương quá nặng, nhưng bác sĩ vẫn bị chấn động về tinh thần nên đang được theo dõi, chăm sóc, nghỉ ngơi tại nhà.
Bác sĩ bị hành hung tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh cắt từ clip |
GS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, sự thật về câu chuyện bác sĩ V.H.C. bị đánh đang bị bóp méo vì lý do nào đó. Có những người lợi dụng bẻ sự việc theo hướng khác, đổ trách nhiệm cho ngành y tế, dù sự thật là bác sĩ bị đánh rất vô cớ mà camera an ninh đã ghi lại.
“Chúng tôi thấy không được an toàn cả khi làm nhiệm vụ lẫn ở ngoài đời. Mong muốn của chúng tôi giờ đây chỉ là có được môi trường làm việc an toàn. Vụ việc phải được giải quyết triệt để và phân minh; những kẻ tấn công bác sĩ khi đang làm nhiệm vụ phải được xử lý thích đáng! Nếu không, các bác sĩ sẽ không thể yên tâm làm việc, cứu người", GS Trần Thiết Sơn trăn trở.
3 ngày sau khi sự việc xảy ra, bác sĩ V.H.C - bác sĩ bị người nhà bệnh nhi hành hung ngay tại nơi làm việc đã nghẹn ngào nói: "Sau khi người nhà khác của bệnh nhi bình tĩnh đến, đã tìm gặp tôi và xin lỗi. Tôi đã nói lại với họ, chúng tôi vẫn sẽ khâu cho cháu bé dù bố cháu có đánh tôi đi chăng nữa. Tôi muốn cho mọi người thấy, dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ".
Cảm thông với những khó khăn mà nhân viên y tế đang phải hứng chịu, ThS.BS Ngô Đức Hùng, tác giả của tập sách “Để yên cho bác sĩ hiền” đã phải thốt lên: “Tại sao có những kẻ nhân danh bức xúc để làm những điều khốn nạn như vậy? Chúng ta cần có hành động phản đối nạn bạo hành y tế và pháp luật phải có khung hình phạt thích đáng cho những kẻ đó!”
Cùng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, rất nhiều vụ hành hung nhân viên y tế, nhưng việc xử lý chưa nghiêm minh nên sự răn đe chưa có. Có lẽ đây cũng là một trong nhiều lý do để họ đánh người, manh động.
Cũng phản ứng khi xem clip, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn nữa đối với những hành vi côn đồ ngay trong bệnh viện, khi mà người bác sĩ đang làm công việc cứu người.
“Lúc nào chúng tôi cũng ở thế yếu so với các đối tượng manh động kia. Nếu cơ quan lập pháp hiểu điều đó sẽ ra những điều luật để bảo vệ cho những người yếu thế - là những nhân viên y tế. Về mặt pháp luật, chúng tôi cần phải được bảo vệ như những người khác”, PGS Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Trước những vụ hành hung nhân viên y tế liên tiếp xảy ra và được chia sẻ rộng rãi, không chỉ những người trực tiếp làm trong ngành y bất bình, phẫn nộ trước những sự việc trên, mà người dân cũng bức xúc khi sự an toàn của nhân viên y tế không được đảm bảo ngay tại chính môi trường làm việc của mình.
Tuy hoàn cảnh mỗi vụ hành hung đều khác nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng việc sử dụng bạo lực là hoàn toàn trái pháp luật. Vậy nhưng, những vụ hành hung nhân viên y tế vẫn thường chỉ dấy lên trong một thời gian mà chưa đi đến giải pháp nào cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị công an "cắm chốt" bệnh viện
Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận có ít nhất 22 vụ việc hành hung nhân viên y tế, truy sát người bệnh tại giường bệnh và tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng thực hiện hành hung hết sức manh động và bất ngờ. Ngoài việc hành hung đội ngũ y bác sĩ, người bệnh các đối tượng này còn đập phá máy móc thiết bị của bệnh viện gây thiệt hại tài sản. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm khoảng 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Trước thực trạng liên tiếp xảy ra các vụ hành hung bác sĩ nghiêm trọng trong khi đang làm nhiệm vụ thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, đã có rất nhiều giải pháp đã được ngành đưa ra cùng với sự vào cuộc của cơ quan công an song vấn nạn bạo hành nhân viên y tế không những không giảm mà có xu hướng phức tạp hơn, gây tâm trạng bất an cho đội ngũ nhân viên y tế.
Bộ trưởng đề nghị các cấp vào cuộc quyết liệt để đồng hành, bảo vệ và hỗ trợ ngành y tế và cán bộ y tế để họ không đơn độc trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình khi đang làm nhiệm vụ.
Theo đó, vị Tư lệnh ngành Y đề nghị giữa các đơn vị y tế, Sở y tế, Công an các tỉnh ký văn bản phối hợp, lập đường dây nóng để thông báo kịp thời cho lực lượng 113 xử lý các tình huống hành hung cán bộ y tế trong các bệnh viện. Các bệnh viện cũng cần phối hợp với cơ quan Công an để lắp đặt hệ thống camera quan sát, theo dõi tại nơi làm việc.
Đặc biệt, Bộ Y tế kiến nghị lực lượng Công an cần phải vào cuộc thực sự; triển khai cắm chốt ngay tại bệnh viện và tuần tra thường xuyên tại những điểm nóng, nơi căng thẳng như khoa cấp cứu của bệnh viện; đồng thời xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành các tối tượng có hành vi hành hung bác sĩ, nhân viên y tế.
Có thể thấy rằng, trên thực tế, nếu thực hiện được các biện pháp trên thì việc ngăn chặn các vụ hành hung y, bác sĩ sẽ có hiệu quả rõ ràng. Ví dụ như: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) đã có Công an cắm chốt tại bệnh viện, có đường dây nóng 113; Công an đi tuần tra theo ca. Tại Ninh Bình, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Y tế cử lực lượng Cảnh sát cơ động tiến hành tuần tra và lập đường dây nóng tại bệnh viện để răn đe và ngăn chặn các hành vi bạo hành bác sĩ, nhân viên y tế...
Trước những thông tin cho rằng có những vụ hành hung cán bộ y tế là do thái độ chưa đúng mực của các y, bác sĩ với người bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, hành vi đánh bác sĩ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào đều không chấp nhận được và đối tượng hành hung cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
"Nếu nhân viên y tế có thái độ, hành vi chưa phù hợp, đó là câu chuyện của vấn đề đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của ngành y. Còn nếu đưa ra khái niệm này là chúng ta đồng tình, bênh vực, chia sẻ với những người vi phạm luật hình sự”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.