Ban chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính khảo sát, kiểm tra tại 3 tỉnh

Hậu Nguyễn
Ngày 9/5, Đoàn khảo sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh dẫn đầu đã có buổi làm việc với 3 tỉnh nói trên.

ban-chi-dao-trung-uong-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-khao-sat-kiem-tra-tai-3-tinh-1715386747.jpg

 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, Ủy viên Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/LS

Dự buổi làm việc có ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc; ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cùng đại diện các Sở, ngành liên quan.

Cần chính sách hỗ trợ trước khi tiến hành sắp xếp

Tại Vĩnh Phúc, đại diện Sở Nội vụ cho biết, tỉnh có 06 huyện, thành phố có ĐVHC cấp xã phải sắp xếp; số lượng ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp là 22 đơn vị; trong đó có 6 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp nhưng có yếu tố đặc thù nên không thực hiện sắp xếp. Như vậy giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã để thành lập 13 ĐVHC cấp xã, giảm 15 ĐVHC cấp xã. UBND huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tổ chức lấy ý kiến đảm bảo thời gian quy định. Đến cuối tháng 3/2024, UBND 28/28 ĐVHC cấp xã đã tổ chức xong việc lấy ý kiến cử tri. Tổng số cử tri đồng ý bình quân của 28 xã đạt 91,63%.

Theo đại diện Sở Nội vụ, việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã gặp một số khó khăn, đặc biệt là bố trí đội ngũ cán bộ cấp xã vì khó sắp xếp (trưởng các tổ chức chính trị, xã hội sau sắp xếp chỉ được bố trí 01 người, trong khi đó trưởng một số tổ chức chính trị, xã hội chưa đảm bảo điều kiện để sát hạch, tiếp nhận sang công chức theo quy định).

Tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Đoàn Khảo sát liên ngành Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 quan tâm, tạo điều kiện báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, so với nhiều địa phương, Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi, “thuận cả về lòng người, về vị trí địa lý và các điều kiện bảo đảm khác”.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, Sơn La có 3 đơn vị hành chính cấp xã bắt buộc phải sắp xếp. Tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch chung xây dựng đô thị, lập Chương trình phát triển đô thị và Đề án phân loại đô thị đối với các đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp.

Tuy nhiên, Sơn La là tỉnh miền núi, các đơn vị hành chính bị chia cắt bởi các núi đá, mật độ dân cư, trình độ phát triển và cơ sở hạ tầng không đồng đều, nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống,... Việc triển khai lập Đề án phân loại đô thị trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi trình hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cần phải thực hiện tuần tự, nhiều quy trình, nhiều bước, tốn nhiều thời gian, cần tập trung nguồn lực …

Do đó, việc yêu cầu các đơn vị hành chính đô thị dự kiến hình thành sau sắp xếp phải có hồ sơ Đề án phân loại đô thị trước khi trình hồ sơ Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là rất khó khăn để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của trung ương đặt ra (thời hạn gửi hồ sơ Đề án về Bộ Nội vụ chậm nhất ngày 30/6/2024).

UBND tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, sớm thẩm định và trình cấp có thẩm quyền quyết định đối với Đề án án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh để Sơn La tổ chức triển khai các nội dung công việc đảm bảo tiến độ theo quy định.

Ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Tỉnh đã chủ động xây dựng đề án, có 3 huyện theo diện sắp xếp, 3 huyện có những yếu tố đặc thù nên sau khi xem xét tỉnh đã xin ý kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Nội vụ để 3 huyện này sẽ sắp sếp ở giai đoạn sau; đối với đơn vị hành chính cấp xã, 67 xã, phường phải sắp sếp, trong đó có 7 đơn vị đặc thù và 7 xã phường nữa xin không sắp xếp, còn lại 53 xã sắp xếp giai đoạn này. Cùng với 53 xã còn có 27 xã liền kề. Như vậy tổng số sắp xếp là 80 xã, sắp xếp sáp nhập còn 32 xã.

Đến nay theo tiến độ đã thực hiện xong lấy ý kiến cử tri, nhiều nơi trên 90% cử tri đồng thuận; một số huyện đã gửi báo cáo về, một số xã lấy ý kiến cử tri lần 2; và quy trình này sẽ thực hiện xong trong tháng 5.

Theo ông Tấn, một trong những khó khăn là vấn đề sắp xếp cán bộ cấp xã. Đây là số được đào tạo rất cơ bản, năng lực thực tiễn tốt. Bên cạnh đó, với 3 huyện thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2025-2030 và các xã đặc thù, cử tri mong muốn sắp xếp cả xã và huyện làm một lần.

Vấn đề nữa tài sản trụ sở xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá…là tài sản công, thực tế không giải quyết được ngay, nóng vội sẽ dẫn đến lãng phí.

Ông Phan Trọng Tấn kiến nghị Bộ Nội vụ, các bộ, ngành ở Trung ương xem xét đối với những đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp (3 huyện, 14 xã đặc thù) chưa thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025; xin lùi thời gian sắp xếp giai đoạn 2026-2030.

ban-chi-dao-trung-uong-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-khao-sat-kiem-tra-tai-3-tinh1-1715386747.jpg

 

Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn - Ảnh: VGP/LS

Có chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sắp xếp

Bên cạnh đó, việc sắp xếp đối với khối lượng đơn vị hành chính ở Phú Thọ là rất lớn, phải làm từng bước, cẩn trọng nhưng Đề án trình Bộ Nội vụ tháng 5 là rất khó, do đó ông Tấn đề nghị Phú Thọ cần có thêm thời gian để thực hiện các công việc này.

Đặc biệt, theo ông Phan Trọng Tấn, cần có các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp. Hiện nay ngân sách của Phú Thọ rất khó khăn, khó cân đối, có hỗ trợ thì chỉ một phần nhỏ. Do vậy, Trung ương cần có chính sách hỗ trợ cán bộ dôi dư ở mức phù hợp để cán bộ có trợ cấp thoả đáng. Chính sách này cần ban hành trước khi sắp xếp.

Các thành viên trong Đoàn công tác đã đề nghị các tỉnh làm rõ hơn một số vấn đề như yếu tố đặc thù của các đơn vị hành chính được đề nghị lùi thời gian sắp xếp; các vấn đề phù hợp, đảm bảo về quy hoạch; cần rõ hơn các yếu tố liên quan như dân số, vị trí địa lý, công tác xây dựng quản lý đô thị; vấn đề sắp xếp đội ngũ cán bộ khi sắp xếp...

Về trình tự, thủ tục xây dựng các hồ sơ Đề án, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị UBND tỉnh thực hiện thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo về việc “Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, tôn trọng kiến nghị hợp lý của các địa phương về các đặc thù của từng vùng, miền, địa bàn trong cả nước; rút gọn và thực hiện đồng thời các quy trình, thủ tục để bảo đảm tiến độ sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã”.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể tiến hành đồng thời việc hoàn thiện các điều kiện, tiêu chuẩn (trong đó có trình tự, thủ tục liên quan đến quy hoạch và phân loại, rà soát đánh giá chất lượng đô thị) với việc xây dựng các Đề án sắp xếp, thành lập, điều chỉnh địa giới ĐVHC nhưng khi trình Chính phủ các Đề án này thì cần bảo đảm đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục (lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến HĐND các cấp,…).

Về lộ trình thực hiện, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ, tỉnh Sơn La khẩn trương hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để gửi Bộ Nội vụ; bảo đảm hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước tháng 9/2024 để các địa phương kịp chuẩn bị tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, trong đó cấp cơ sở thực hiện trong quý I/2025.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do sắp xếp ĐVHC và giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư, Thứ trưởng đề nghị UBND tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương, trình HĐND cùng cấp ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; làm tốt công tác tuyên truyền tới Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn, nhất là đối tượng chịu sự tác động để bảo đảm sự đồng thuận của người dân và hệ thống chính trị ở địa phương trong quá trình thực hiện sắp xếp ĐVHC; gắn việc sắp xếp ĐVHC với công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và thực hiện tinh giản biên chế theo quy định.

Cần dự kiến phương án giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp; UBND tỉnh chủ động cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của ĐVHC hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương; phương án xử lý, sử dụng con dấu của các cơ quan nhà nước, xây dựng phương án về sắp xếp công việc đối với lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.

Các tỉnh cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch của địa phương (bao gồm: quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác có liên quan) bảo đảm phù hợp, thống nhất với phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và có tính đến việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2026 - 2030 để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc sắp xếp ĐVHC theo yêu cầu tại Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Thứ trưởng đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để được hướng dẫn kịp thời về phương án sắp xếp ĐVHC đô thị, công tác quy hoạch đô thị, sắp xếp lại, xử lý tài sản công…, bảo đảm việc thực hiện sắp xếp ĐVHC hiệu quả, phù hợp, đúng quy định.

Việc đặt tên, đổi tên bảo đảm đồng thuận, yếu tố lịch sử và văn hóa

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao việc triển khai tích cực, kịp thời sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, đồng thời ghi nhận những phản ánh về khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai.

Sắp tới, thời gian không còn nhiều, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án theo đúng lộ trình; thực hiện đúng nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính; thực hiện đúng nguyên tắc sắp xếp ĐVHC; đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, trừ trường hợp nhập từ 03 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên; việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri; thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo đúng quy định.

Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã phù hợp, đúng quy định, Bộ Tài chính cần kịp thời có hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, khó khăn và báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.