Giáo dục

Bạn cùng lớp chênh nhau 60 tuổi

Sinh viên già nhất ở tuổi 76, còn trẻ nhất chỉ mới 16, họ cách nhau 5 giáp và học chung một lớp.

Đó là trường hợp hy hữu ở lớp học online ngành Công nghệ thông tin của Đại học trực tuyến FUNiX. Không giới hạn độ tuổi, ngành nghề nên trường có nhiều sinh viên khá đặc biệt.

Học viên cao tuổi nhất hiện nay ở trường là ông Nguyễn Phương Quế (76 tuổi), còn trẻ nhất mới 16 tuổi.

Là một trong 6 sinh viên sinh năm 2000, em Trần Gia Hy (quận 9, TP HCM) hiện là học sinh cấp 3. Thường sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính, iPad... để chơi game, Hy nhận ra những ứng dụng đặc biệt của các thiết bị này. Với mong muốn hiểu thêm cách tạo ứng dụng, phần mềm, Hy quyết định theo học ngành Công nghệ thông tin ngay khi còn ngồi trên ghế phổ thông.

"Vì đang theo học chương trình chính khóa ở trường nên việc học online sẽ giúp em chủ động thời gian, không phải đi lại nhiều. Ba mẹ rất ủng hộ quyết định này của em", Gia Hy chia sẻ ước mơ trở thành lập trình viên trong tương lai.


Ông Nguyễn Phương Quế (bên trái) và em Trần Gia Hy (bên phải) đều là sinh viên ở lớp Công nghệ thông tin online, họ cách nhau 60 tuổi. Ở giữa là mentor Trần Nam Dũng, một trong những thần đồng Toán học Việt Nam, hiện là giảng viên Toán - Tin của Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM.

Ở độ tuổi trăng tròn, nam sinh gốc Việt - Kiro Nguyễn sống tại Mỹ cho biết có sở thích đặc biệt với lĩnh vực công nghệ, nhất là máy vi tính, lập trình và mong muốn trở thành kỹ sư phần mềm. Không đợi phải học xong cấp 3 mới thi đại học như thường lệ, khi biết thông tin một đại học online ở Việt Nam tuyển sinh ngành này, cậu học trò nhỏ tuổi đã mạnh dạn đăng ký.

2 tuần sau, Kiro Nguyễn may mắn vượt qua phần phỏng vấn. Em nhanh chóng được bộ phận tuyển sinh duyệt hồ sơ, chính thức trở thành sinh viên của Đại học trực tuyến FUNiX.

"Em thích công nghệ phần mềm vì có thể đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề xung quanh. Em còn tiếp nhận kiến thức và kinh nghiệm từ chuyên gia. Họ là những người đứng đầu công ty công nghệ trong và ngoài nước nên có nhiều trải nghiệm thực tế", nam sinh gốc Việt chia sẻ.

Đang theo học chương trình phổ thông ở Mỹ nhưng Kiro Nguyễn cho biết sẽ dành thời gian rảnh rỗi trên lớp và ở nhà, những ngày nghỉ để hoàn thành chương trình đại học sớm. "Em hy vọng có thể nhận song song hai bằng, tốt nghiệp cấp 3 và đại học sau 3 năm nữa", Kiro Nguyễn nói.

Trong khi đó, là một trong những sinh viên lớn tuổi nhất ở Việt Nam khi học đại học ở tuổi 76, ông Nguyễn Phương Quế (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết đi học để làm chậm quá trình lão hóa của đầu óc và nâng cao kiến thức cho bản thân.

Sinh ra ở Hà Nội, từng là học sinh giỏi Toán, tốt nghiệp Kỹ sư xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1964, ông Quế được điều động vào công tác ở Tổng công ty điện lực miền Nam. Hơn 36 năm làm kỹ sư, ông Quế nghỉ hưu vào năm 2000.

Ở lứa tuổi U80, ông vẫn muốn tiếp tục lao động, cống hiến cho xã hội. Đó là lý do, ông Quế tiếp tục đi học, nhưng giấu cả gia đình. "Tôi không muốn các con nói mình già rồi còn ham vui. Học cũng như một trò giải trí vậy, người thì thích trồng cây, nuôi chim, người chọn bia bọt, múa hát còn tôi thích đi học. Đừng xem học là một việc nặng nề, nó có thể làm chậm quá trình lão hóa của đầu óc", một trong những học viên lớn tuổi nhất ở Việt Nam chia sẻ.

Đi học không phải vì bằng cấp hay tìm kiếm việc làm, ông Quế chỉ mong muốn nâng cao kiến thức để không bị lạc hậu. Hàng ngày, ông vẫn duy trì thói quen lên mạng xem tin tức, cập nhật tình hình thời sự. Thấy lĩnh vực công nghệ thông tin có nhiều ứng dụng hay, lại xuất thân từ dân Toán nên ông chọn ngành này để theo học.

"Có ý định đi học từ lâu, thỉnh thoảng tôi cũng lên mạng tự học nhưng nhiều khi khó không biết hỏi ai. Còn theo học tại các trường thì tôi chưa chọn được chương trình thích hợp vì ngại ôn lại kiến thức để thi đại học hay tham gia học offline ở các trung tâm. Biết thông tin về đại học online, không cần đi lại nhiều, lại không phải thi tuyển nên tôi đã gọi điện hỏi thăm", ông Quế tâm sự.

Đi học ở tuổi này, ông Quế không khỏi lo lắng vì cho rằng mình đã già, sẽ tiếp thu chậm hơn lớp trẻ, lại nhanh quên. Học về phần cứng, do tay đã run, ông gặp khó khăn khi thực hành lắp ráp bằng những con vít nhỏ. Mặc dù vậy, sau vài ngày tham gia khóa học, sinh viên đặc biệt này đã quen dần với chương trình. Không để mình bị thua lớp trẻ, ông Quế dành mỗi ngày 2-4 tiếng truy cập Facebook để học bài.

Thành lập hơn nửa năm nay, đào tạo chuyên về Công nghệ thông tin, hiện FUNiX có gần 500 học viên đến từ 12 quốc gia khác nhau theo học. Thay vì tổ chức thi tuyển đầu vào như các trường truyền thống, đại học online đầu tiên của Việt Nam tổ chức xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn từng thí sinh. Qua đó, các chuyên gia sẽ đánh giá khả năng cũng như sở thích, đam mê của từng người để tư vấn cụ thể.

Những người thầy giảng dạy tại FUNiX không phải là giáo sư, tiến sĩ đầu ngành mà là mentor - những chuyên gia đang làm quản lý, đồng thời là nhà tuyển dụng của các công ty công nghệ lớn ở Việt Nam. Do đó, thay vì dạy theo giáo trình, sinh viên được học từ những kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia.

Tác giả bài viết: N.Loan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP