Bán đảo Sơn Trà: Phải coi trọng sự giám sát của nhân dân

Admin
Bản báo cáo về Sơn Trà đã được Đà Nẵng gửi Thủ tướng nhưng những quan điểm về phát triển, bảo tồn bán đảo với hệ sinh thái đặc biệt này đang đón nhận nhiều ý kiến trái chiều.

 

TS-KTS Tô Văn Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, cho hay với các tiêu chí đưa ra trong quá trình rà soát là rất khoa học. Cụ thể như về độ cao chỉ cho phép khai thác dưới 100 m, cho phép xây dựng các công trình kiến trúc phục vụ lưu trú ngắn hạn (không có hình thức cư trú); trên 100 m thì chỉ tổ chức các loại hình dịch vụ du lịch kiểu sinh thái; việc quy hoạch xây dựng tuân thủ mật độ xây dựng, đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh.

Đặc biệt, yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học rất được chú trọng và cụ thể hóa bằng các giải pháp rất cụ thể như: Không khai thác phát triển du lịch vùng cư trú của voọc chà vá chân nâu, tạo hành lang xanh đảm bảo việc di chuyển của voọc; không khai thác các khu rừng đặc dụng; bảo vệ các loài thực vật quý hiếm...

 Một góc bán đảo Sơn Trà có dự án đầu tư. Ảnh: L. PHI

Điểm đáng lưu ý là lần đầu tiên địa phương sử dụng phương pháp chồng ghép các bản đồ (địa hình, phân bổ rừng đặc dụng, khu vực sinh sống của voọc, khu vực bảo vệ nghiêm ngặt an ninh, quốc phòng...) để xác định vùng được phép khai thác, vùng hạn chế và vùng không được phép khai thác. Đây là phương pháp khoa học, phù hợp chuyên môn đối với lĩnh vực quy hoạch cảnh quan, đảm bảo việc quy hoạch du lịch đáp ứng các chỉ đạo của Thủ tướng và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.

“Bài học ở đây, theo ý kiến cá nhân tôi, trước hết là xem xét và giải quyết vấn đề dưới góc độ tổng thể, mang tính hệ thống, chú trọng phát triển kinh tế nhưng đồng thời phải đảm bảo các vấn đề về môi trường, an ninh, quốc phòng... Tất nhiên, trước đây trong quá trình thực hiện công tác quản lý và phát triển đô thị đều chú trọng các yêu cầu này. Nhưng tôi nhắc lại là phải xem xét một cách có hệ thống. Như đã nói trên, việc áp dụng phương pháp chồng lớp bản đồ là một giải pháp đảm bảo yêu cầu này.

Hai là phải coi trọng công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Bởi lẽ đây chính là tài sản vô giá, là yếu tố mang lại bản sắc cho đô thị Đà Nẵng, nhất là mục tiêu hướng đến là TP môi trường.

Thứ ba, công tác quy hoạch phát triển đô thị cần được cụ thể hóa bằng các quy chế quản lý kiến trúc, các khu vực nhạy cảm là phải có quy chế riêng. Cuối cùng là coi trọng công tác giám sát của nhân dân, ý kiến phản biện của hiệp hội nghề nghiệp, chuyên gia trong các lĩnh vực trước khi thực hiện các dự án xây dựng”- ông Hùng nói.