Áp lực chốt lời trên thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn khá lớn khi mà chỉ số VN-Index đã vượt qua ngưỡng 1020 điểm. Một số quỹ ngoại cũng bán nhiều cổ phiếu Việt trong đó có HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long.
Đầu tháng 10, quỹ đầu đầu tư của Đức PENM III Germany GmbH &Co. KG đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, tương đương tỷ lệ sở hữu khoảng gần 1% vốn.
Nếu giao dịch thành công, PENM III sẽ còn nắm 1,88% vốn.
PENM III của Đức bán cổ phiếu trong bối cảnh cố phiếu HPG của ông Trần Đình Long đang ở vùng cao kỷ lục. Giá cổ phiếu này đã tăng hơn 20% trong vòng 3 tháng qua và hiện đang ở mức gần 42.000 đồng/cp, chỉ thấp hơn mức giá kỷ lục mọi thời đại hơn 44.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) ghi nhận hồi đầu tháng 6.
Nếu bán thành công, PENM III của Đức sẽ lãi gấp đôi so với mức giá mà quỹ này đầu tư vào HPG cách đây chưa tới 1 năm rưỡi. Thương vụ này, PENM III có thể thu về 840 tỷ đồng.
Gần đây, một số cổ đông nội bộ người liên quan tới ban lãnh đạo của Tập đoàn Hòa Phát cũng bán ra cổ phiếu HPG trong bối cảnh cổ phiếu đang ở vùng giá cao kỷ lục và doanh nghiệp có dấu hiệu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước đó.
Ông Nguyễn Việt Thắng, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc đã bán ra 1,3 triệu cổ phiếu HPG, giảm tỷ lệ sở hữu còn 0,38%. Trước đó, bà Trần Thị Tình, mẹ ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HPG bán toàn bộ 277.141 cổ phiếu HPG.
Hòa Phát của ông Trần Đình Long vẫn được xem là một doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt và vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành. HPG chiếm thị phần thép xây dựng lớn nhất cả nước.
Trong năm vừa qua và đầu năm 2018, ông Trần Đình Long liên tiếp lập những kỷ lục thần kỳ. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của doanh nhân này tiếp tục giữ vững vị trí thống trị trong ngành thép với mức lợi nhuận sau thuế 2017 cao lịch sử với 8.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước. Trong 6 tháng, HPG ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 4,4 ngàn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ 2017.
|
Tuy nhiên, quyết định áp thuế cao đối với thép nhập khẩu nước ngoài (tăng khoảng 10 lần lên 25%) khiến thị trường thế giới chấn động. Tỷ phú Việt ngành thép được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn bởi chính sách bảo hộ của ông Donald Trump.
Trên thực tế, lượng thép xuất khẩu của HPG vào Mỹ không lớn. Nhưng việc ông Trump áp thuế cao cũng đã khép lại cơ hội mở rộng xuất khẩu của ngành thép Việt.
Trong thời gian tới, năng lực sản xuất lớn của Hòa Phát là rất lớn. HPG cũng đã đặt kế hoạch hướng tới doanh thu 100 ngàn tỷ (gấp 3 lần 2016) nhờ cú huých từ dự án Khu Liên hợp Gang Thép Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi.
Mỹ là thị trường nhập khẩu thép lớn nhất thế giới và là nước có chi phí sản xuất thép thuộc loại cao. Việc Mỹ áp thuế sẽ khiến các doanh nghiệp thép Việt khác mất đi một thị trường lớn trong tương lai.
Mặc dù có thể đối mặt với khó khăn nhưng cổ phiếu HPG vẫn ở vùng cao lịch sử. Ông Trần Đình Long vẫn là người giàu thứ 2 trên TTCK Việt Nam, với túi tiền theo xếp hạng của Forbes lên tới 1,2 tỷ USD.
Ông Trần Đình Long được biết đến là người khá giản dị, không dùng siêu xe. Ông Long từng sở hữu máy bay riêng để phục vụ việc đi lại lên mỏ ở Lao Cai nhưng sau đó đã bán do việc đi lại đã dễ dàng hơn nhờ đường cao tốc được mở.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời vẫn còn khá lớn nhưng nhiều cổ phiếu blue-chips nhóm ngân hàng và dầu khí đã giúp VN-Index tăng điểm.
Các mã ngân hàng như BIDV, Techcombank, Vietinbank, Eximbank, ACB… tăng giá đã mang đến một sự vững chắc cho thị trường. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu tiêu dùng và bán lẻ như Thế giới di động, FPT, PNJ, VRE, Sabeco… tăng giá cũng góp phần giữ thị trường không bị suy giảm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục tăng giá nhờ giá dầu thô trên thế giới tăng mạnh.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có cái nhìn thận trọng hơn trong các dự báo.
Chứng khoán BIDV cho rằng, thị trường sẽ chịu áp lực trước ngưỡng kháng cự ngắn hạn 1.030. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trạng thái tích lũy quanh ngưỡng 1.020 điểm cho đến hết tuần trước khi thị trường có sự đồng thuận cao ở hầu hết các dòng cổ phiếu lớn trong thị trường giúp chỉ số vượt thoát trong thời gian tới.
Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, áp lực bán tăng mạnh khi chỉ số VN-Index tiếp cận vùng kháng cự 1024 điểm. Các phiên tới, thị trường có thể sẽ có nhịp điều chỉnh trước khi tiếp tục đi lên.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/10, VN-index tăng 1,61 điểm lên 1020,4 điểm; HNX-Index tăng 0,29 điểm lên 115,29 điểm. Upcom-Index tăng 0,2 điểm lên 54,41 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.