Bánh mì Pháp thành di sản phi vật thể của nhân loại

Admin
Chiếc bánh mì dài, vỏ giòn và ruột mềm là một phần trong cuộc sống của người dân Pháp. Mới đây, món ăn này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

Ngày 30/11, UNESCO công bố "Kiến thức nghệ nhân và văn hóa bánh mì" hay kỹ nghệ làm bánh mì Pháp chính thức được công nhận là một phần của văn hóa nhân loại. Ảnh: CNN. 

Món bánh mì nổi tiếng này là một trong số những đặc sản và văn hóa ẩm thực được UNESCO công nhận, gồm nghệ thuật làm pizza của người Naples, kim chi, văn hóa bia Bỉ, chế độ ăn Địa Trung Hải, và cà phê Ả Rập. Ảnh: DW. 

Theo bà Audrey Azoulay, Giám đốc UNESCO, bánh mì như một phong cách sống, không đơn thuần là món ăn. "Nếu có một hàng bánh mì ngay gần, bạn có thể đến mua bánh mì tươi ngon và gặp gỡ mọi người, trò chuyện với thợ làm bánh. Đó là yếu tố quan trọng trong gắn kết xã hội", bà nhận định. Ảnh: ABC. 

Pháp đã mất 6 năm để thu thập các tư liệu cần thiết trước khi đệ trình lên UNESCO. Bà Azoulay chia sẻ: "Điều này giúp mọi người nhận ra chiếc bánh mì quen thuộc là thứ rất quý giá. Nó có lịch sử lâu dài, đặc trưng riêng. Việc khiến cộng đồng nhận ra điều này, tự hào về nó thật sự quan trọng". Ảnh: CSM. 

Trong khi hàng bánh mì tại Pháp thường bán nhiều loại, bánh truyền thống vẫn nổi tiếng nhất. Chúng thường được làm từ 4 nguyên liệu: bột, nước, muối và men, và phải được nướng tại chỗ. Ảnh: Rappler. 

Theo nhóm nghiên cứu Observatoire du Pain, tỷ lệ tiêu thụ bánh mì của người lớn tại Pháp đã giảm từ 143 gram/ngày vào năm 2003 xuống 103 gram/ngày vào năm 2016. Sự gia tăng của các chuỗi siêu thị có bán bánh mì được cho là nguyên nhân khiến hàng trăm cửa hàng bánh mì gia đình phải đóng cửa. Ảnh: Expatica. 

Tác giả: An Ngọc

Nguồn tin: zingnews.vn