Bão chết người vẫn thi hoa hậu - nỗi đau của dân bị đặt bên lề

Admin
Khi nỗi đau của người dân bị đặt sang bên lề, có lẽ đó là lúc vô cảm lên ngôi và đồng tiền leng keng cất tiếng nói của nó.

Câu thuộc lòng mà bất cứ đứa trẻ con nào cũng rành: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” hay “Bầu ơi thương lấy bì cùng”, có lẽ không áp dụng với ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, không thân thiết với VTV và cũng chẳng có trong tư duy của những thí sinh thi hoa hậu vốn coi mục đối đáp là thứ phải học thuộc lòng đầy vất vả.

 Đêm bán kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 tổ chức tại Khánh Hòa và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV6 tối 4/11 khi người dân đang vật lộn với bão lụt

Chỉ có thể đoán như vậy, bởi ngay cơn bão số 12 đang hoành hành, khiến người dân thiệt mạng, bao cảnh màn trời chiếu đất, tiếng khóc than oán thán vang lên, VTV vẫn trực tiếp cuộc thi hoa hậu, ban tổ chức vẫn tiếp tục bật nhạc xập xình, các cô nương vẫn váy hoa xúng xính cười tươi phô diễn những đường cong hút mắt của mình.

Theo báo cáo, thiệt hại ban đầu của cơn bão số 12, tỉnh Khánh Hòa đã có ít nhất 23 người chết, trong đó 2 người ở TP Nha Trang bị nhà sập đè tử vong, số nhà bị sập, hư hỏng lên đến hàng con số hàng chục ngàn.

Ở đó, có lẽ người dân đang cần nước sạch, cần điện, cần sự chung tay và đồng cảm của người dân cả nước hơn là thay vì đón xem tin bão trên đài quốc gia để nắm bắt tình hình, lại thấy một đêm nhạc hội tưng bừng và nỗi đau của họ, những chủ nhà bị gác sang bên lề.

Chiều 5/11, ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định với báo chí rằng: “UBND tỉnh đã có công điện khẩn yêu cầu ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2017 hoãn đêm thi bán kết vào tối 4/11. Tuy nhiên, không hiểu sao họ vẫn tổ chức”.

Phía ban tổ chức thì trả lời truyền thông thản nhiên: “Đây là cuộc thi đã được Bộ Văn Hóa - Thể thao - Du lịch duyệt. Lịch phát sóng cũng đã hợp đồng, lên kịch bản từ trước”.

Còn phía VTV khi được báo Phụ Nữ liên hệ, MC Diễm Quỳnh phụ trách kênh VTV6, nơi trực tiếp cuộc thi “chỉ” sang ông Hà Nam – Trưởng ban Thư ký biên tập Đài Truyền hình Việt Nam. Ông Nam khi được liên lạc thì lại cho hay: “Đang đi công tác, không nắm rõ sự việc”.

Vậy có thể tóm lại ngắn gọn thế này.

1./ Địa phương không đồng ý, đề nghị ngưng. Nhưng, chuyện diễn ra không biết.

2./ Ban tổ chức, cứ theo hợp đồng mà làm.

3./ Còn đài truyền hình quốc gia, người phụ trách kênh không quản chuyện sắp lịch phát sóng. Người phụ trách lịch phát sóng, không nắm sự việc nên không quan tâm.

Cả 3 đều kệ.

 Các cô gái cười tươi phô diễn những đường cong hút mắt của mình trong đêm bán kết

Hẳn nhiên, người dân Khánh Hòa nói riêng và người dân miền Trung nói chung đang oằn mình trong mưa bão, trong lo âu chắc vẫn đầy tự trọng để chẳng thể yêu cầu ban tổ chức cuộc thi vốn mở miệng ra là nói chuyện thiệt hơn, lợi nhuận, vì họ mà hãy chia lo.

Người dân miền biển ăn sóng, nói gió vốn quen cắn răng chịu đựng, hẳn cũng sẽ chẳng xuống nước đề nghị đài truyền hình quốc gia vì họ mà quan tâm hơn, đưa thông tin thiết thực hơn như mưa lũ chuyển hướng đi đâu, dự báo ở Cà Mau sao lại là Khánh Hòa.

Người dân mọi miền, dẫu chẳng thể tự mình làm điều gì lớn lao nhưng hướng tấm lòng về miền bão lũ, đang tự quyên góp, vận động nhau chờ trời tan cơn mưa sẽ lao ra giúp người dân xứ mình đang khốn khổ.

Nhưng.

Nếu, người dân không thể trông vào những người kinh doanh văn hóa có văn hóa ứng xử.

Nếu, nhân dân không thể trông đợi vào những người làm nhiệm vụ truyền tải thông tin ở đài quốc gia cung cấp cho họ những thông tin cần thiết nhất, quan trọng nhất ở thời điểm ngặt nghèo nhất.

Nếu, chính quyền địa phương, nơi người dân chờ đợi đại diện cho mình trong mọi việc, thúc thủ.

Vậy, cuộc thi mang tên văn hóa ấy, doanh nghiệp kinh doanh văn hóa ấy liệu có còn xứng đáng đối mặt với người dân địa phương, nơi họ tổ chức cuộc thi để khai thác lợi nhuận không?

Vậy, đài truyền hình quốc gia nơi đang tiêu những đồng thuế của người dân, liệu có còn đáng để trông chờ gì nữa không?

Vậy, chính quyền địa phương có thể quyết liệt không?

Khi mẹ lo cho con, vợ lo cho chồng, người ở phương xa lo cho người quê nhà, bằng những nỗ lực tự thân của họ. Khi nỗi đau của người dân bị đặt sang bên lề, có lẽ đó là lúc vô cảm lên ngôi và đồng tiền leng keng cất tiếng nói của nó. Đó cũng là lúc mà “chỉ số niềm tin” mà đại biểu Dương Trung Quốc vừa nói ở nghị trường chắc không thể tăng được rồi.