Cả chủ đầu tư lẫn Tp.Hải Phòng đều bị ảnh hưởng
Người dân Tp.Hải Phòng, nhất là các địa phương Dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua, gồm: Quận Đồ Sơn, huyện Kiến Thụy và huyện Tiên Lãng, lo ngại tình trạng dự án "đắp chiếu" nhiều tháng ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt cũng như giao thông trong khu vực.
Về vấn đề này, theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hải Phòng, tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng, có 2 dự án thực hiện song song. Đó là Dự án tuyến đường bộ ven biển đầu tư bằng nguồn vốn BOT (Dự án tuyến đường bộ ven biển) gần 3.800 tỷ đồng. Dự án thứ 2 là mở rộng tuyến đường bộ ven biển sử dụng vốn ngân sách Thành phố.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đầu tư bằng nguồn vốn BOT "đắp chiếu" nhiều tháng nay do chênh lệch lãi suất vốn vay (Ảnh: Thái Phan).
Trong đó, Dự án tuyến đường bộ ven biển đầu tư bằng nguồn vốn BOT triển khai thực hiện từ năm 2018. Đến nay đã 6 năm trôi qua, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành và đã dừng thực hiện nhiều tháng. Khối lượng công việc hoàn thành trước khi dự án tạm dừng khoảng 70%.
Lý do dự án dừng thực hiện bắt nguồn từ ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thiếu nguồn cát san lấp, khi phí nhân công tăng…
Trong đó, nguyên nhân chính là chênh lệch lãi suất vốn vay. Theo quy định, lãi suất vốn vay trong hợp đồng dự án 5 - 6%, trong khi chủ đầu tư vay tại các ngân hàng thương mại lên tới 11 - 12%.
Chênh lệch kể trên phát sinh khoản tiền gần 1.900 tỷ đồng không được tính vào tổng mức đầu tư dẫn đến việc chủ đầu tư buộc phải dừng thực hiện dự án do vượt quá khả năng cân đối.
"Doanh nghiệp đã có văn bản đề nghị UBND Tp.Hải Phòng, nếu không được điều chỉnh lãi suất vốn vay, sẽ chấm dứt thực hiện hợp đồng BOT dự án", đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hải Phòng, nói.
Trong khi Dự án tuyến đường bộ ven biển đầu tư bằng nguồn vốn BOT "đắp chiếu" chờ điều chỉnh lãi suất vốn vay, thì Dự án mở rộng tuyến đường bộ ven biển sử dụng vốn ngân sách Tp.Hải Phòng cũng buộc phải tạm dừng theo.
Chưa đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh lãi suất vốn vay
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hải Phòng, thời gian qua, UBND Tp.Hải Phòng nhiều lần có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét, tháo gỡ khó khăn liên quan đến chênh lệch lãi suất vốn vay của chủ đầu tư. Bên cạnh đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND Tp.Hải Phòng đã làm việc 2 lần với Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, do quy định của Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021, hợp đồng được ký kết trước thời điểm Luật PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP có hiệu lực, thì tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Do chưa đủ căn cứ pháp lý để điều chỉnh lãi suất cho chủ đầu tư, các bộ, ngành Trung ương đã hướng dẫn UBND Tp.Hải Phòng căn cứ hợp đồng dự án để tiếp tục triển khai.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đầu tư bằng nguồn vốn BOT "đắp chiếu" nhiều tháng nay ảnh hưởng tới đời sống của người dân địa phương và giao thông (Ảnh: Thái Phan).
Để giải quyết vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hải Phòng phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND Thành phố theo hướng chấm dứt hợp đồng BOT, kêu gọi các nhà đầu tư khác có năng lực tiếp tục thực hiện Dự án tuyến đường bộ ven biển.
Ngoài ra, có thể xem xét sử dụng nguồn vốn ngân sách Tp.Hải Phòng để tiếp tục đầu tư dự án.
"Theo các hướng kể trên, dự kiến đến quý II năm 2026, có thể triển khai thi công Dự án tuyến đường bộ ven biển và đến quý III năm 2027, sẽ hoàn thành cả 2 dự án tuyến đường bộ ven biển bằng nguồn vốn BOT và mở rộng tuyến đường này bằng nguồn ngân sách Tp.Hải Phòng", ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hải Phòng Nguyễn Ngọc Tú, thông tin.